Tổng cầu vẫn yếu
Tình hình kinh tế vĩ mô đến nay có thêm nhiều tín hiệu tích cực. Chín tháng, GDP ước đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,25% so với tháng 12/2013, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
“Tuy kinh tế vĩ mô chưa có đột biến, nhưng nếu như tháng trước chỉ dám nói phấn đấu GDP năm nay đạt 5,8%, thì đến nay khẳng định chỉ tiêu này hoàn toàn khả thi. Thậm chí, trong quá trình thảo luận các giải pháp điều hành kinh tế, có thành viên Chính phủ cho rằng, nếu quyết liệt chỉ đạo, điều hành, thì GDP năm nay có thể vượt kế hoạch đề ra và đạt mức tăng 5,9%, thậm chí cao hơn…”, ông Nên nói.
Tuy nhiên, Chính phủ nhìn nhận, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như tổng cầu vẫn yếu, sản xuất - kinh doanh còn khó khăn, nợ xấu còn cao; cân đối ngân sách khó khăn, chi thường xuyên ở mức cao và có xu hướng tăng; tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm...
Thủ tướng làm việc với NHNN để thúc đẩy xử lý nợ xấu
Để thúc đẩy đà hồi phục của nền kinh tế, trong những tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát không chỉ trong năm 2014 mà còn cho những năm tiếp theo, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng. Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng và an toàn hệ thống. Tiếp tục giữ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối; tăng dự trữ ngoại hối... Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng cường chỉ đạo các ngân hàng thương mại có biện pháp phù hợp xử lý hiệu quả nợ xấu, tham gia cùng DN trong xử lý nợ xấu. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), có phương án xử lý hiệu quả đối với nợ xấu đã mua và tiếp tục mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
“Theo kế hoạch, hôm nay (ngày 1/10), Thủ tướng làm việc với lãnh đạo NHNN để nghe về tình hình xử lý nợ xấu, cũng như những vấn đề đang tồn tại trong lĩnh vực tiền tệ. Trên cơ sở đó, Thủ tướng sẽ đưa ra những chỉ đạo quyết liệt hơn về xử lý nợ xấu, giải quyết các bất cập đang tồn tại trên thị trường tiền tệ...”, ông Nên nói.
Liên quan đến cải thiện tổng cầu cho nền kinh tế, Thủ tướng chỉ đạo tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, thực hiện hiệu quả các giải pháp, chính sách huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội. Tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với tạo thuận lợi cho DN, nhất là các DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn vay.
“Để hỗ trợ hiệu quả hơn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2014, Chính phủ mời Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc dự họp. Thay mặt cộng đồng DN, ông Lộc đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất, nhằm hỗ trợ DN phát triển sản xuất - kinh doanh hiệu quả hơn trong thời gian tới... ”, ông Nên nói và cho biết thêm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung ban hành, triển khai các cơ chế chính sách theo hướng thông thoáng, cởi mở nhất cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, để không chỉ hỗ trợ người dân và DN trước mắt, mà còn cải thiện môi trường kinh doanh trong dài hạn.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2014, các thành viên Chính phủ nhất trí về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Thủ tướng giao Bộ Giao thông - Vận tải hoàn thiện tờ trình, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Thủ tướng yêu cầu, Tờ trình cần nói rõ hơn sự cần thiết của dự án, tại sao không mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất, Sân bay Biên Hoà; quy mô, hiệu quả, nguồn vốn cho dự án, có ảnh hưởng đến nợ công hay không... Trả lời báo giới tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2014, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, dự án sẽ được triển khai theo hình thức xã hội hóa. Bộ Giao thông - Vận tải đang kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, để giảm thiểu vốn đầu tư của Nhà nước. Dự án được triển khai theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư 6 tỷ USD. |