GDP và GNI: Tại sao chúng ta tăng trưởng mà vẫn nghèo?
Hiện nay, các đánh giá tình hình kinh tế thường được gắn chặt với chỉ tiêu GDP. GDP ở Việt Nam hiện được tính toán bằng cách cộng tất cả phần giá trị gia tăng của các ngành trong nền kinh tế và thuế nhập khẩu theo nguyên tắc thường trú. Tức là một doanh nghiệp FDI hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam trên một năm thì toàn bộ phần giá trị gia tăng của doanh nghiệp đó được tính vào GDP của Việt Nam.
Như vậy, tăng trưởng về quy mô cũng như về số lượng của chỉ tiêu GDP thực ra chưa phản ánh được đầy đủ bức tranh của nền kinh tế, chẳng hạn doanh nghiệp FDI chuyên về khai thác tài nguyên sẽ chuyển phần lợi nhuận về nước họ nhưng vẫn được thể hiện trong GDP của Việt Nam.
Đơn vị: nghìn tỷ đồng
Để đánh giá chính xác tình hình kinh tế, chúng ta nên xét thêm đến chỉ tiêu GNI. Đây là chỉ tiêu được xác định bằng cách lấy GDP cộng với thu nhập nhận được từ bên ngoài, trừ đi những khoản tương tự phải trả ra bên ngoài.
Theo Bảng GDP và GNI , có 2 điểm quan trọng là GDP năm 2014 tăng thêm 4 lần so với 2005 nhưng lượng tiền chi trả sở hữu ra nước ngoài thuần tăng 11 lần. Điều đó cho thấy, chúng ta tăng trưởng cao, nhưng một phần nhiều nguồn lực đã bị chuyển ra ngoài. Hơn nữa, độ doãng giữa GDP và GNI ngày càng lớn. Nếu năm 2005 tỷ lệ giữa GNI và GDP là 98,2% thì đến năm 2014 tỷ lệ này chỉ còn khoảng 95%.
Điều này cho thấy luồng tiền ra ngày càng lớn và tổng thu nhập quốc gia ngày càng nhỏ hơn so với GDP.
GDP, FDI và dòng tiền ra
Trong khi đóng góp của khối kinh tế nhà nước và ngoài nhà nước vào GDP giảm sút trong giai đoạn vừa qua, thì đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 16% năm 2005 lên 20,6% vào năm 2015.
Theo đánh giá của các chuyên gia Chương trình kinh tế Fulbright, trong 4 động cơ tăng trưởng thì 3 động cơ “nội” gồm khu vực kinh tế nhà nước, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và nông nghiệp hộ gia đình - cá thể đã trải qua một giai đoạn khó khăn và vừa mới phục hồi, chỉ có 1 động cơ “ngoại”- khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là chạy tốt trong giai đoạn vừa qua.
Cùng với việc thâm hụt thương mại cao thì việc chi trả sở hữu ra nước ngoài cũng là một vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Đây cũng là lý do cơ bản khiến đồng tiền Việt Nam ngày càng mất giá và điều này làm giảm ý nghĩa của chỉ số tốc độ tăng trưởng GDP trong việc đo lường, phản ảnh tình trạng sức khỏe của nền kinh tế.
TPP và FDI
Với các hiệp định hợp tác mới được ký kết, với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam sẽ hội nhập mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế thế giới. Thực tế thì không quốc gia nào có thể đứng ngoài hội nhập.
Muốn sản xuất thì phải có thị trường và hội nhập sẽ mang lại những cơ hội thị trường rất lớn. Nhưng hội nhập cũng đặt ra nhiều thách thức. Và thách thức chúng ta có thể nhìn thấy rõ nhất là nếu các doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh, không chủ động có thể mất thị trường ngay trên sân nhà. Hiện tại, thị trường Việt Nam đã tràn ngập các sản phẩm ngoại như sữa ngoại, thịt bò ngoại,….
Việt Nam có triển vọng rất tốt về đầu tư trực tiếp nước ngoài vì vị trí địa lý của Việt Nam thuận lợi, thể chế chính trị ổn định, có nguồn nhân công rẻ. Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2015 thì nền kinh tế Việt Nam là kinh tế nhiều thành phần và FDI là một thành phần quan trọng và lâu dài của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục hỗ trợ phát triển, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Nhưng có lẽ chúng ta cần có những chính sách, những ràng buộc đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để hạn chế tình trạng luồng tiền chảy ra ngoài ngày càng nhiều, đặc biệt dòng vốn FDI được dự báo sẽ gia tăng mạnh mẽ khi Việt Nam gia nhập TPP. Ngoài ra, Việt Nam cần có các chính sách phát triển các doanh nghiệp phụ trợ để hỗ trợ và phát triển cùng các doanh nghiệp FDI để học hỏi các bí quyết, tập quán kinh doanh tốt, có thể đứng vững trong trường hợp các doanh nghiệp FDI này rút đi.
Đàm Nhân Đức, Giám đốc Nghiên cứu Phát triển Ngân hàng MB
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tòa soạn hay Tổ chức mà người viết đang công tác).