Một góc cảng Cái Cui (Cần Thơ). Ảnh: A.M

Một góc cảng Cái Cui (Cần Thơ). Ảnh: A.M

Gãy phương án liên doanh khai thác cảng Cái Cui?

0:00 / 0:00
0:00
Việc cụ thể hóa ý tưởng thành lập một công ty cổ phần để tăng cường liên kết, hợp tác về dịch vụ logistics trong khu vực cảng Cái Cui (Cần Thơ) nhiều khả năng phải lùi chờ thời điểm thích hợp.

Chưa đúng thời điểm

Sau đúng 3 tháng nghiên cứu, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có Công văn số 1416/UBQLV-CNHT gửi Văn phòng Chính phủ để tham gia ý kiến về đề xuất của UBND TP. Cần Thơ liên quan việc thành lập một công ty cổ phần nhằm tăng cường liên kết, hợp tác phát triển dịch vụ logistics trong khu vực cảng Cái Cui.

Trước đó, tại Công văn số 1853/VPCP-CN ngày 21/3/2024 về tình hình hoạt động Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và cảng biển Cần Thơ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao các bộ: Quốc phòng, Giao thông - Vận tải, Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hướng dẫn, hỗ trợ UBND TP. Cần Thơ trong quá trình triển khai thực hiện để nâng cao hiệu quả khai thác Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và cảng biển Cần Thơ.

Về việc thành lập một công ty cổ phần để tăng cường liên kết, hợp tác về dịch vụ logistics trong khu vực cảng Cái Cui, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Quốc phòng và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo tình hình triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại Văn bản số 4499/VPCP-ĐMDN ngày 19/7/2022 của Văn phòng Chính phủ, hoàn thành trong tháng 3/2024.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Quốc phòng được nhắc đến trong các chỉ đạo nói trên của lãnh đạo Chính phủ bởi đây là đơn vị quản lý hoặc đại diện chủ sở hữu phần vốn của 2 đơn vị liên quan trực tiếp đề xuất thành lập một công ty cổ phần để tăng cường liên kết, hợp tác về dịch vụ logistics trong khu vực cảng Cái Cui. Đó là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.

Được biết, tại Công văn số 1416/UBQLV-CNHT, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẳng định, việc thành lập công ty cổ phần để tăng cường liên kết, hợp tác về dịch vụ logistics trong khu vực cảng Cái Cui tại thời điểm hiện nay là chưa phù hợp.

Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, căn cứ Chiến lược Phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2035; Kế hoạch Sản xuất - kinh doanh và đầu tư 5 năm và Đề án Cơ cấu lại VIMC giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, dự kiến năm 2024, VIMC sẽ điều chỉnh giảm tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu của VIMC tại Cảng Cần Thơ từ 99,05% xuống 65%.

“Đề nghị UBND TP. Cần Thơ giới thiệu nhà đầu tư tham gia đấu giá mua cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ logistics trong khu vực cảng Cái Cui”, ông Nguyễn Ngọc Cảnh đề xuất.

Được biết, cụm cảng Cái Cui - cảng biển lớn nhất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - gồm 2 bến cảng chính. Trong đó, bến cảng Cái Cui do Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ trực thuộc VIMC khai thác, đã xây dựng hoàn thành 2 cầu cảng với tổng chiều dài 365 m, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 DWT, công suất thiết kế 2,7 - 2,9 triệu tấn/năm, diện tích vùng đất hậu cần, kho bãi sau cảng là 25 ha. Ngoài cảng Cái Cui, Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ còn vận hành cảng Hoàng Diệu - một cảng lớn khác cũng nằm trong trung tâm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bến cảng Tân Cảng - Cái Cui, theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, do Công ty cổ phần Vận tải thủy Tân Cảng thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn khai thác, đã hoàn thành xây dựng một cầu cảng với chiều dài 180 m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 DWT, công suất thiết kế khoảng 1,4 triệu tấn/năm, diện tích vùng đất hậu cần, kho bãi sau cảng là 8 ha.

Ngoài 2 bến chính nói trên, tại khu vực cảng Cái Cui còn có Cảng biển Thốt Nốt cũng do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn khai thác, đã xây dựng hoàn thành một cầu cảng với tổng chiều dài 75 m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 700 DWT, công suất thiết kế 0,9 - 1,2 triệu tấn/năm, diện tích vùng đất hậu cần, kho bãi sau cảng là 11 ha.

Hé lộ lý do

Cần phải nói thêm rằng, từ năm 2017, UBND TP. Cần Thơ đã có nhiều văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập một công ty cổ phần để tăng cường liên kết, hợp tác về dịch vụ logistics trong khu vực cảng Cái Cui với 2 phương án liên danh.

Với phương án 1, UBND TP. Cần Thơ đề xuất đơn vị vận hành cảng Cái Cui và đơn vị vận hành cảng Cái Cui - Tân Cảng liên doanh thành lập công ty cổ phần, với việc chọn đơn vị nắm cổ phần chi phối 51% do Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Với phương án 2, UBND TP. Cần Thơ đề xuất hình thành liên doanh 3 bên, gồm đơn vị vận hành cảng Cái Cui, đơn vị vận hành cảng Cái Cui - Tân Cảng (mỗi bên góp 49% vốn), UBND Cần Thơ chỉ định Quỹ Đầu tư phát triển TP. Cần Thơ tham gia liên doanh (góp 2% vốn) nhằm đảm bảo tỷ lệ góp vốn và hài hòa lợi ích của các bên.

Theo lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có nhiều lý do khiến đề xuất thành lập công ty cổ phần để tăng cường liên kết, hợp tác về dịch vụ logistics trong khu vực cảng Cái Cui được đánh giá là chưa phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Lý do đầu tiên là việc thành lập công ty cổ phần theo đề xuất của UBND TP. Cần Thơ có thể dẫn tới việc phát sinh thêm một cấp trung gian, phát sinh thêm chi phí cho một bộ máy quản lý điều hành, trong khi Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ đang hoạt động ổn định, có hiệu quả theo định hướng của VIMC.

Lý do thứ hai là hệ thống cầu cảng thuộc khu bến Tân Cảng - Cái Cui do Công ty cổ phần Vận tải thủy Tân Cảng đang quản lý, khai thác là tài sản thuê lại của doanh nghiệp khác để kinh doanh. Do vậy, Công ty cổ phần Vận tải thủy Tân Cảng không có lợi thế về sở hữu tài sản là các bến cảng khi thành lập công ty cổ phần để thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả khai thác cụm cảng Cái Cui.

Cụ thể, Công ty cổ phần Vận tải thủy Tân Cảng là đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác khu bến cảng Cái Cui - Tân Cảng được thuê lại của Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ (thuộc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí), thời hạn thuê đến năm 2030.

Quan trọng hơn, khu bến Cái Cui - Tân Cảng là bến phục vụ hàng tổng hợp, container với chiều dài cầu cảng là 180 m, diện tích khoảng 3 ha, năng lực thông qua bến chỉ một triệu tấn/năm. Năng suất khai thác cảng bình quân hàng năm đạt khoảng 25-30%.

Ngoài việc phát triển được 3 tuyến tàu container vào Cái Cui - Tân Cảng và phải dừng lại vì không hiệu quả, hiện tại, lượng tàu biển vào bến Cái Cui - Tân Cảng rất thấp. Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2023, sản lượng hàng hoá thông qua bến Cái Cui - Tân Cảng chỉ đạt 0,261 triệu tấn, trong đó hàng container là 7.458 TEU.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ là đơn vị nằm trong số những doanh nghiệp cảng có kết quả kinh doanh vào loại tốt của VIMC. Chỉ tính riêng năm 2023, Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ đạt sản lượng hàng hoá thông qua đạt 3,7 triệu tấn (trong đó, cảng Cái Cui là 0,77 triệu tấn), mang lại doanh thu 152 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn do lý do cụm cảng này đang gặp những khó khăn nhất định về việc phát triển mở rộng thị trường. Cụ thể, luồng hàng hải vào khu vực cảng Cần Thơ bị giới hạn ở mớn nước thấp. Theo thiết kế, luồng chính vào cảng là kênh Quan Chánh Bố cho phép tàu biển tải trọng 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn giảm tải ra vào 13 cảng trên sông Hậu. Tuy nhiên, trên thực tế, tàu lớn rất khó chạy vào luồng tàu mới này. Đa phần hàng hóa ở miền Tây xuất nhập khẩu vẫn qua các cảng ở Đông Nam bộ.

Trong khi đó, hệ thống giao thông đường bộ trong vùng đã và đang phát triển rất nhanh, tạo điều kiện cho việc tập kết hàng hóa bằng đường bộ do tính cơ động cao hơn, dẫn đến nhu cầu sử dụng hệ thống vận tải đường thủy đang bị giảm sút do khoảng cách từ các khu công nghiệp trong vùng đến các cảng đầu mối xuất khẩu tại khu vực TP.HCM, Cái Mép - Thị Vải khá gần.

“Về lâu dài, việc quy hoạch phát triển mạnh hệ thống hạ tầng đường bộ với hơn 850 km đường cao tốc, 2.000 km đường quốc lộ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 dẫn tới phương thức vận tải đường bộ sẽ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động vận tải của vùng do được rút ngắn về quãng đường và thời gian vận chuyển. Hiện tại, giá vận tải đường bộ đối với hàng container đi TP.HCM đang rất cạnh tranh với phương thức vận tải container bằng sà lan (trừ các mặt hàng có tải trọng nặng)”, lãnh đạo Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ cho biết.

Tin bài liên quan