Gạt bỏ sợ hãi, giới đầu tư hào hứng xuống tiền

Gạt bỏ sợ hãi, giới đầu tư hào hứng xuống tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall leo dốc trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (5/10) với big tech dẫn đầu sự phục hồi mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu tăng trưởng.

Phiên ngày thứ Ba, cổ phiếu của Apple, Microsoft, Amazon và Alphabet, 4 công ty giá trị nhất phố Wall, đều tăng hơn 1% sau đợt bán tháo diễn ra phiên đầu tuần.

Facebook phục hồi 2,1%, một ngày sau khi bị mạng xã hội Facebook, ứng dụng nhắn tin WhatSapp và nền tảng chia sẻ ảnh Instagram của họ gặp sự cố không thể truy cập trong nhiều giờ.

Trong khi đó, tại Washington, Thượng viện Mỹ dự kiến thứ Tư này sẽ bỏ phiếu cho một biện pháp do Dân chủ đề xuất để đình chỉ mức trần nợ công của Mỹ. Sự chia rẽ đảng phái tại Quốc hội Mỹ đang có nguy cơ khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào cảnh vỡ nợ.

Nhà Trắng đang nỗ lực yêu cầu các nhà lãnh đạo doanh nghiệp gặp gỡ Tổng thống Joe Biden để thảo luận về sự cần thiết của việc nâng trần nợ nhằm gây áp lực lên đảng Cộng hoà.

Mặt khác, ông Biden hôm thứ Ba cũng cảnh báo, việc các nhà lập pháp không thông qua gói chi tiêu xã hội và cơ sở hạ tầng khổng lồ 3.500 tỷ USD có thể khiến nước Mỹ đi xuống. Xây dựng lại cơ sở hạ tầng của Mỹ là một trong những lời hứa tranh cử chính của nhà lãnh đạo Mỹ.

Với tình hình căng thẳng tại Washington, các nhà đầu tư kỳ vọng vào dữ liệu việc làm tháng 9 được công bố vào ngày 8/10 để tìm kiếm thêm tín hiệu về việc cắt giảm chương trình mua tài sản Fed.

Về dữ liệu kinh tế, Viện quản lý cung ứng (ISM) báo cáo, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) phi sản xuất của Mỹ trong tháng 9 đã tăng lên mức 61,9 từ mức 61,7 trong tháng 8.

9/11 lĩnh vực chính của S&P 500 tăng điểm trong phiên đêm qua, trong đó tài chính, dịch vụ truyền thông và công nghệ dẫn đầu là nhóm dẫn đầu.

Bộ ba chỉ số chính đóng cửa trong sắc xanh. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, S&P Futures, Dow Futures và Nasdaq Futures đang trong xu hướng ngược lại.

Kết thúc phiên 5/10, chỉ số Dow Jones tăng 311,75 điểm (+0,92%), lên 34.314,67 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 45,26 điểm (+1,05%), lên 4.345,73 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 178,35 điểm (+1,25%), lên 14.433,83 điểm.

Chứng khoán châu Âu hôm thứ Ba có phiên tăng tốt nhất trong vòng 11 tuần qua, được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi xác nhận kết quả kinh doanh quý III đầy lạc quan.

Mặt khác, theo khảo sát của IHS Markit, tăng trưởng kinh tế ở khu vực đồng euro chậm lại trong tháng 9 do các vấn đề về nguồn cung khiến hạn chế hoạt động sản xuất, trong khi áp lực lạm phát gia tăng đã tác động đến nhu cầu.

Kết thúc phiên 5/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 66,09 điểm (+0,94%), lên 7.077,10 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 157,94 điểm (+1,05%), lên 15.194,49 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 98,62 điểm (+1,52%), lên 6.576,28 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm sâu với nhóm cổ phiếu định hướng tăng trưởng bị ảnh hưởng nặng nề khi giá dầu tăng cao, gây thêm lo lắng về lạm phát và thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ khi nhóm cổ phiếu năng lượng nâng đỡ nhờ giá dầu thô tăng mạnh.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất gần 7 tháng với những lo lắng về căng thẳng thương mại Trung - Mỹ, rủi ro vỡ nợ của Mỹ và lạm phát đang đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư trên khắp châu Á.

Chứng khoán Trung Quốc vẫn nghỉ giao dịch lễ Quốc khánh.

Kết thúc phiên 5/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 622,77 điểm (2,19%), xuống 27.822,12 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 67,78 điểm (+0,28%), lên 24.104,15 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 57,01 điểm (-1,89%), xuống 2.962,17 điểm.

Giá vàng đêm qua suy yếu trong bối cảnh đồng USD tăng mạnh trở lại và chứng khoán Mỹ đồng loạt hồi phục sau một phiên giảm sâu.

Thị trường tài chính thế giới vẫn tiềm ẩn rủi ro sau khi một doanh nghiệp bất động sản khác của Trung Quốc là Fantasia Group Holdings đã không trả được khoản nợ đáo hạn trong tuần này. Fantasia không lớn như Evergrande nhưng giới phân tích đang lo ngại về tác động lây lan trên các thị trường tài chính.

Kết thúc phiên 5/10, giá vàng giao ngay giảm 9,40 USD (-0,53%), xuống 1.760,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 6,70 USD (-0,38%), xuống 1.760,90 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục đà tăng vọt trong phiên thứ Ba, với giá dầu thô WTI chạm mức cao nhất kể từ năm 2014 và giá dầu thô Brent leo lên mức cao nhất trong ba năm, sau khi nhóm các nhà sản xuất OPEC+ mắc kẹt với kế hoạch tăng sản lượng sau cuộc họp nhóm cuối tuần qua.

Giá dầu đã tăng hơn 50% trong năm nay, cộng thêm áp lực lạm phát khiến các quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn như Mỹ và Ấn Độ lo ngại trật bánh đường ray phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Các nhà đầu tư sẽ xem xét dữ liệu tồn kho dầu thô từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố vào ngày 6/10 để có thêm định hướng.

Kết thúc phiên 5/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,31 USD (+1,7%), lên 78,93 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,30 USD (+1,6%), lên 82,56 USD/thùng.

Tin bài liên quan