Gạt bỏ lo lắng, giới đầu tư hồ hởi xuống tiền

Gạt bỏ lo lắng, giới đầu tư hồ hởi xuống tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall hồi phục trở lại trong phiên ngày thứ Năm (28/1) nhờ mùa báo cáo kết quả kinh doanh lạc quan và dữ liệu kinh tế cho thấy có sự phục hồi.

Đầu ngày thứ Năm, Bộ Lao động Mỹ báo cáo, có 847.000 người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 23/1, giảm 67.000 người so với tuần trước đó và đánh dấu mức thấp nhất trong ba tuần.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV chỉ tăng 4%, thấp hơn so với mức dự báo 4,2% của các nhà kinh tế và mức tăng 33,1% trong quý III sau khi nước Mỹ mở cửa lại nền kinh tế.

Trong cả năm 2020, kinh tế Mỹ đã sụt giảm 3,5%, lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và giảm sâu nhất kể từ năm 1946. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế dự báo, tăng trưởng của Mỹ sẽ phục hồi trong năm nay khi Covid-19 được kiểm soát mặc dù hiện dịch bệnh này vẫn là mối đe dọa đối với kinh tế toàn cầu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm nay, trong khi các chuyên gia kinh tế theo khảo sát của tờ The Wall Street Journal cho rằng mức tăng trưởng năm nay của Mỹ sẽ là 4,3% dựa trên các chỉ số tích cực của quý IV vừa qua.

Về dữ liệu kinh tế khác, doanh số bán nhà mới xây tại Mỹ trong tháng 12 là 842.000 vào tháng 12 (đã điều chỉnh theo mùa), cao hơn 1,6% so với tháng 11, Cục thống kê dân số Mỹ cho biết hôm thứ Năm. Trong khi đó, thâm hụt thương mại hàng hóa Mỹ đã thu hẹp xuống 82,5 tỷ USD trong tháng 12/2020 so với mức 85,5 tỷ USD trong tháng trước.

Theo dữ liệu của Refinitiv, trong số 159 công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý IV tính đến sáng thứ Năm, 83% công bố kết quả vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 76% trong bốn quý trước đó.

Kết thúc phiên 28/1, chỉ số Dow Jones tăng 300,19 điểm (+0,99%), lên 30.603,36 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 36,61 điểm (+0,98%), lên 3.787,38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 66,56 điểm (+0,5%), lên 13.337,16 điểm.

Chứng khoán châu Âu đóng cửa cao hơn vào thứ Năm khi chứng kiến Phố Wall phục hồi trở lại, bên cạnh các báo cáo kết quả kinh doanh lạc quan là động lực giúp các thị trường đảo chiều tăng điểm.

Kết thúc phiên 28/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 41,22 điểm (-0,63%), xuống 6.526,15điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 45,47 điểm (+0,33%), lên 13.665,93 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 50,90 điểm (+0,93%), lên 5.610,52 điểm.

Châu Á chìm trong biển lửa trong phiên giao dịch hôm thứ Năm. chứng khoán Nhật Bản có phiên sụt giảm mạnh nhất trong sáu tháng trước áp lực bán tháo từ phố Wall phiên đêm trước cộng hưởng với lực bán chốt lời nhóm cổ phiếu công nghệ.

Chứng khoán Trung Quốc ghi nhận phiên giảm tồi tệ nhất trong hơn sáu tháng do nhà đầu tư lo ngại rằng các nhà hoạch định chính sách có thể bắt đầu chuyển sang lập trường chặt chẽ hơn để kiềm chế giá cổ phiếu và thị trường bất động sản.

Chứng khoán Hồng Kông có phiên tệ nhất trong 8 tháng, chịu áp lực bởi đợt bán tháo trên phố Wall, trong khi thanh khoản trên thị trường thắt chặt hơn cũng làm gia tăng áp lực tâm lý đến thị trường.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng đã thoái lui do chịu liên đới từ phiên bán tháo trên phố Wall phiên trước.

Kết thúc phiên 28/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 437,79 điểm (-1,53%), xuống 28.197,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 68,17 điểm (-1,91%), xuống 3.505,18 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 746,76 điểm (-2,55%), xuống 28.550,77 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 53,51 điểm (-1,71%), xuống 3.069,05 điểm.

Giá vàng giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Năm khi dòng tiền tìm đến chứng khoán trong phiên đêm qua.

Kết thúc phiên 28/1, giá vàng giao ngay giảm 1,00 USD (-0,05%), xuống 1.843,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 7,00 USD (-0,38%), xuống 1.837,90 USD/ounce.

Giá dầu giảm trong phiên ngày thứ Năm khi thị trường bắt dầu lo ngại rằng việc trì hoãn triển khai vắc-xin và các hạn chế du lịch mới trên toàn cầu có thể làm giảm nhu cầu về nhiên liệu, bất chấp việc đồng USD yếu hơn và sự sụt giảm mạnh lượng dầu tồn kho của Mỹ.

Kết thúc phiên 28/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,51USD (-1%), xuống 52,34 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,28 USD (-0,5%), xuống 55,53 USD/thùng.

Tin bài liên quan