Ðể ngoài sổ sách 48,3 tỷ đồng
CTCP Bọc ống dầu khí Việt Nam - PV Coating (mã PVB) được thành lập năm 2007, vốn điều lệ 215,9 tỷ đồng, là công ty con của Tổng công ty Khí Việt Nam - PV Gas (mã GAS) với tỷ lệ sở hữu 52,94% vốn. GAS là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 95% vốn.
Dự án Ðường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 do GAS làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án Khí Ðông Nam Bộ làm đại diện chi nhánh tại giai đoạn 1.
Cuối năm 2013, PVB được giao bọc ống cho dự án, giá trị hợp đồng 1.046 tỷ đồng, hình thức là đơn giá cố định.
Giai đoạn 2013-2016, ông Trần Ðức Minh được giao làm Giám đốc PVB, đại diện quản lý phần vốn của GAS.
Trước khi thực hiện dự án, ông Minh đã chỉ đạo cấp dưới và phòng chức năng tính toán, cải tiến kỹ thuật thử nghiệm để tiết kiệm vật tư, cũng như quá trình thi công thực tế ban đầu để xác định lượng vật tư cần cho dự án.
Ðể thực hiện dự án, PVB đã ký nhiều hợp đồng ngoại thương với đối tác nước ngoài để mua vật tư. Tuy nhiên, PVB đã không mua hàng theo nhu cầu thực tế và định mức, đơn giá của đơn vị tư vấn là Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), dẫn đến dư thừa 7 loại vật tư, trị giá 48,3 tỷ đồng.
Năm 2016, GAS cử người khác làm đại diện vốn góp tại PVB. Thời điểm đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an nhận được đơn thư tố cáo hành vi của ông Minh và đồng phạm.
Văn phòng Giám định tư pháp Sài Gòn có kết luận, PVB đã để ngoài sổ sách số vật tư trên. Theo quy kết, các bị cáo chiếm đoạt của PVB số tiền 48,3 tỷ đồng.
Năm 2019, ông Minh bị xử phạt 16 năm tù về tội Tham ô tài sản, các bị cáo khác nhận mức án từ 2 năm tù cho hưởng án treo đến 11 năm tù.
Mới đây, vào đầu tháng 3/2020, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm do các bị cáo đồng loạt kháng cáo. Sau đó, tòa phúc thẩm quyết định hủy án để điều tra, xét xử lại.
Theo bản án sơ thẩm, các bị cáo đã bàn bạc, đưa vật tư từ cảng về thẳng kho K751 của một doanh nghiệp tư nhân. Ông Minh đã chỉ đạo cấp dưới hợp thức số vật tư tồn kho trên hệ thống chứng từ kế toán.
Các bị cáo đã tính toán số liệu, lập bảng so sánh giữa vật tư tiêu hao thực tế và định mức đơn giá để lập khống các phiếu xuất kho. Cuối năm 2014, thủ kho của PVB chuyển số vật tư tồn kho vào 13 container và thuê một công ty cất giữ mà không có hợp đồng gửi giữ.
Ông Minh khai nhận, việc chuyển về kho K751 là do kho bãi của PVB không còn chỗ trống. Vì vậy, tòa phúc thẩm yêu cầu phải làm rõ tình trạng kho bãi của PVB thời điểm đó. Ðược biết, cơ quan điều tra đã thu giữ số vật tư tồn dư trên.
GAS sẽ chịu thiệt hại?
Bên cạnh các tình tiết cần điều tra để làm rõ tội danh các bị cáo, tòa án nhận định, Ban quản lý dự án (tức chủ đầu tư GAS) là bị hại, chứ không phải PVB.
Theo đó, dự án vẫn chưa được quyết toán, chưa xác định được lãi, lỗ của PVB.
Ðại diện theo pháp luật của Ban quản lý cho biết, sẽ yêu cầu Kiểm toán Nhà nước kiểm toán lại toàn bộ dự án và sẽ thanh toán theo kiểm toán.
Ban quản lý cũng có văn bản yêu cầu PVB cung cấp bảng tổng hợp vật tư theo phiếu xuất kho thực tế để làm cơ sở quyết toán dự án. Nếu như vậy thì số vật tư dôi dư là tài sản của Ban quản lý.
Theo căn cứ kết luận giám định, nếu được quyết toán thì Ban quản lý sẽ thiệt hại 100,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết luận giám định đã vi phạm Ðiều 32 - Luật giám định tư pháp năm 2012 nên tòa yêu cầu giám định lại.
Mặt khác, PVB được chỉ định thầu dự án, hợp đồng theo đơn giá cố định quy định tại Khoản 2, Ðiều 62, Luật Ðấu thầu năm 2013.
Theo Ðiều 96 - Nghị định số 63/2014/NÐ-CP, loại hợp đồng này sẽ không bắt buộc bên B phải chứng minh khối lượng, giá trị vật tư, thiết bị đầu vào.
Ðể xác định lại kết quả giám định, từ đó làm căn cứ quyết định việc quyết toán dự án, tòa án yêu cầu làm rõ liệu có việc Ban quản lý buộc nhà thầu phải chứng minh khối lượng, giá trị vật tư trong hồ sơ thanh toán hay không?
Nếu có thì dựa vào căn cứ nào? Yêu cầu này có phải là nguyên nhân khách quan để các bị cáo chỉnh sửa số liệu không?