Gặp những nông dân triệu phú ĐBSCL

Gặp những nông dân triệu phú ĐBSCL

(ĐTCK) Tiếng là làm nông, nhưng họ đều có đầu óc làm ăn khoáng đạt. Gặp họ mới thấy, trong khủng hoảng có thể sống khỏe với nghề nông.

Gặp những nông dân triệu phú ĐBSCL  ảnh 1Sông Tiền Giang bồi đắp phù sa khiến đất đai nơi đây màu mỡ, mỗi năm cho 3 vụ lúa. Vụ Đông Xuân mang lại 28 - 30 triệu đồng/héc-ta

 

30 tỷ đồng doanh thu từ cá tra

Anh Lê Văn Phước, trú tại khu vực Thới Hòa, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ hiện sở hữu 4 ao nuôi cá tra với diện tích 6 - 7 héc-ta tại huyện Chợ Mới. Mỗi ao trong 1 vụ (mỗi năm 1 vụ) cho năng suất 340 tấn cá. Tính trung bình 22.000 đồng/kg, mỗi ao cá cho doanh thu 1 vụ hơn 7 tỷ đồng, 4 ao doanh thu ngót nghét 30 tỷ đồng, bằng một doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cứ mỗi ngày mở mắt ra, anh nông dân này chi tới hàng chục triệu đồng tiền thức ăn cho cá.

Nghề nuôi trồng thủy sản vui nhiều, nhưng cũng lắm gian truân. Anh Phước đã có thâm niên nuôi cá gần 20 năm. Anh kể, giai đoạn vui nhất là vào những năm 2007 - 2008, giá thành có 7.000 - 8.000 đồng/kg mà bán được tới 17.000 đồng/kg. Thời đó, nông dân như anh mua xe hơi dễ như trở bàn tay. Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, 4 năm nay, nghề nuôi cá tra gặp khủng hoảng, nhờ co kéo thêm nghề buôn bán phân bón và thức ăn thủy sản, mà anh vẫn trụ vững, giữ ao cho đến hôm nay. Anh Phước từng là chủ nợ của CTCP Thủy sản Bình An, với số tiền lên tới 12 tỷ đồng. Gửi đơn kêu cứu khắp nơi, hơn 1 năm sau, anh mới được trả đủ nợ. Vậy mà như có duyên phận, giờ Bình An có chủ mới, anh tiếp tục là đối tác gắn bó, bán cá cho Công ty.

Làm ăn lớn, anh Phước trăn trở với mô hình liên kết giữa nông dân và nhà sản xuất. Anh tâm sự, chỉ cần nhà máy bỏ vốn 50%, nông dân bỏ vốn 50%, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm rõ ràng và không bị lật kèo, những nông dân như anh sẵn sàng tham gia chuỗi liên kết và sản xuất sạch theo yêu cầu của doanh nghiệp. Quan trọng nhất là người nông dân phải có lợi ích khi tham gia mô hình liên hết và doanh nghiệp giữ chữ tín với họ, không được thấy lỗ thì lật kèo.

“Việt Nam độc quyền về con cá tra, mà nông dân vẫn khổ. Ước gì, ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam có được sự liên kết, hỗ trợ, làm chủ thị trường như ngành cá hồi Na Uy. Nông dân không lo được mùa, mất giá”, anh Phước nói. Đời bố nông dân, nhưng đời con nhất định phải khá hơn. Ý nghĩ đó đã thôi thúc ông bố nông dân này đầu tư cho 2 người con đi du học ở Mỹ và Anh với hy vọng, nhất định “con sẽ hơn cha”.

 

70 - 85 triệu đồng/héc-ta lúa/năm

Không hoành tráng như anh Phước, nhưng bác nông dân Lê Thành Bắc, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang lại gây ấn tượng về sự “chân cứng, đá mềm” với người đối diện. Bác sở hữu 6 héc-ta đất ruộng, mỗi năm cho 2 vụ lúa, vụ Đông Xuân cho thu nhập sơ sơ 250 triệu đồng, vụ Hè Thu đem lại cho bác 170 triệu đồng, thu nhập một năm của lão nông này ngót nghét 420 triệu đồng. Được cơ giới hóa, điện khí hóa, những nông dân như bác Bắc không còn ngày đêm “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời”, ngược lại còn có thời gian tham gia các hoạt động cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần như các câu lạc bộ đờn ca tài tử…

Còn bác Nguyễn Văn He, xã Vĩnh Hạnh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang có 3,5 héc-ta lúa. Sông Tiền Giang chiều lòng người, bồi đắp phù sa khiến đất đai nơi đây màu mỡ, mỗi năm cho 3 vụ lúa. Vụ Đông Xuân bác He lãi 28 - 30 triệu đồng/héc-ta, vụ Hè Thu lãi 17 - 18 triệu đồng/héc-ta và vụ Thu Đông lãi 15 - 16 triệu đồng/héc-ta. Ngừng đó diện tích, một mình bác He chăm lo sản xuất. Tính sơ sơ, mỗi năm, nông dân này có thu nhập gần 300 triệu đồng.

Gặp những nông dân triệu phú ĐBSCL  ảnh 2“Ước gì, ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam có được sự liên kết, hỗ trợ, làm chủ thị trường như ngành cá hồi Na Uy. Nông dân không lo được mùa, mất giá”

 

“Tất đất, tấc vàng”

“Tấc đất, tấc vàng”, câu nói này đang trở thành hiện thực tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Mỗi héc-ta đất tại Kiên Giang của bác Bắc giờ có giá 400 triệu đồng, vậy là trong tay nông dân này, tư liệu sản xuất trị giá gần 2,5 tỷ đồng. Mỗi héc-ta đất tại An Giang của bác He trị giá tới 700 triệu đồng. Chẳng bù cho trước kia, mỗi công đất ruộng chỉ đổi được 1 chỉ vàng. Giờ đất ít, người nhiều, nghề nông được trọng, có tiền muốn mua thêm ruộng cũng chẳng mấy ai bán.

Đỡ vất vả trên ruộng đồng, giá trị kinh tế của hạt thóc tăng lên, đời sống của người nông dân được cải thiện rõ rệt. Tại hầu hết các vùng nguyên liệu ở ĐBSCL, nông dân đều có phường, có hội để tham gia, có câu lạc bộ vui chơi, giải trí. Đặc biệt, một số doanh nghiệp hợp tác với nông dân, tạo ra các vùng nguyên liệu còn tổ chức các hoạt động tái tạo sức lao động cho những đối tác đặc biệt này. Bác Bắc kể, mỗi năm, những nông dân như bác được đi tham quan, nghỉ mát 1 - 2 lần. Thu nhập khá lên, nông dân cũng chịu chơi, sắm sanh xe cộ, xây mới nhà cửa to đẹp, đàng hoàng.

Người ta vẫn nói “phi thương, bất phú”, vậy nhưng có khủng hoảng mới thấy những nông dân triệu phú ĐBSCL đang sống khỏe, thậm chí rất khỏe với nghề. Cũng nhờ sự cần cù của những nông dân trên khắp các miền quê, nông nghiệp Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế đầy gam màu xám năm 2012. Trong chuyến công tác về ĐBSCL, tôi không khỏi ấn tượng với những lời ca, tiếng hát của những nghệ sỹ nông dân “made in 100% miệt vườn”. Đêm giao lưu văn nghệ được tổ chức giữa đồng, vương đầy mùi lúa mới, đầy ắp sự khỏe khoắn với tiếng đàn, lời ca mộc mạc, giản dị, nhưng biết bao nghĩa tình.

An Giang ruộng lúa mênh mông

Suất công lao động cuộc đời ấm no

Sông Tiền vun đắp phù sa

Ứng dụng khoa học quê nhà tiến lên.