Do đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới khi mở cửa trở lại sau đại dịch không như kỳ vọng, hoạt động kinh doanh của Starbucks tại Trung Quốc - thị trường lớn thứ 2 của công ty gặp phải những thách thức.
Theo đó, doanh thu trên mỗi cửa hàng của Starbucks tại Trung Quốc chỉ tăng 2% trong năm tài chính 2023. Dù đã phục hồi lên mức 10% trong quý I/2024, nhưng ông lớn chuỗi cà phê của Mỹ vẫn buộc phải đưa ra các chương trình khuyến mãi và giảm giá để thu hút khách Trung Quốc, kéo theo doanh thu trung bình trên mỗi khách giảm 9%.
Bên cạnh nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc giảm do khó khăn kinh tế, Starbucks còn phải gặp sự cạnh tranh ngày càng tăng tại Trung Quốc. Theo đó, Luckin Coffee đã vượt mặt Starbucks để trở thành chuỗi cà phê lớn nhất nước này với mức giá rẻ hơn. Các startup như Cotti Coffee cũng đang thâm nhập thị trường. Trong khi đó, chuỗi trà Tea’stone mang tới trải nghiệm cao cấp về thức uống nóng phù hợp với văn hóa ưa chuộng trà của Trung Quốc.
Kết quả kinh doanh yếu kém tại thị trường Trung Quốc sau khi được công bố khiến cổ phiếu của Starbucks lao dốc trong phiên đầu tháng 5 khi mất hơn 15% giá trị và giảm 25% so với mức giá cao nhất. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, cơ hội để Starbucks lấy lại vị thế là khá lớn và công ty này vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng.
Ngoài trừ thách thức tại thị trường Trung Quốc, hoạt động kinh doanh tại Mỹ của Starbucks đang khá tốt. Trong năm tài chính kết thúc tháng 10/2023, doanh thu khu vực Bắc Mỹ tăng 13,7% lên 26,6 tỷ USD, trong khi doanh thu trên mỗi cửa hàng tại Bắc Mỹ tăng tới 9%. Xu hướng tăng trưởng này tiếp tục được duy trì trong quý đầu tiên trong năm tài chính năm nay khi doanh thu khu vực Bắc Mỹ duy trì đà tăng 9%, trong khi doanh thu trên mỗi cửa hàng tăng 5%.
Công ty đặt mục tiêu mở rộng lên 55.000 cửa hàng toàn cầu vào năm 2030, trong đó 35.000 cửa hàng ngoài nước Mỹ. Cuối năm 2022, Starbucks đã có 38.587 cửa hàng trên toàn thế giới, trong đó 20.656 cửa hàng nằm ngoài Bắc Mỹ. Vì vậy, công ty này được dự báo là vẫn còn nhiều cơ hội mở rộng mạng lưới bất chấp quy mô hiện tại đã lớn mạnh.
Không chỉ thị trường Bắc Mỹ, Starbucks vẫn coi Trung Quốc là thị trường quan trọng trong kế hoạch của mình khi đặt mục tiêu có 9.000 cửa hàng tại đây vào cuối năm 2025, so với con số chưa đầy 7.000 cửa hàng vào cuối năm 2022.
Starbucks cũng không ngừng đổi mới tại Trung Quốc. Chẳng hạn, vào tháng 2/2023, hãng này giới thiệu cà phê vị thịt trước Tết Nguyên đán. Gần đây, Starbucks cũng mở Công viên Cải cách Cà phê, Trung tâm Công nghệ và Đổi mới tại Trung Quốc để thúc đẩy sản phẩm và công nghệ.
Ngoài mở rộng, theo các nhà phân tích phố Wall, Starbucks cũng đang cố gắng nâng cao hiệu quả chi phí 3 tỷ USD trong 3 năm tới, tương đương tiết kiệm 1 tỷ USD mỗi năm. Khoảng 2 tỷ USD tiết kiệm đến từ giá vốn hàng bán, phần còn lại là từ khâu nhân sự và nâng cao hiệu quả hoạch định. Số tiền tiết kiệm sẽ được hãng tái đầu tư vào mở rộng cửa hàng mới và các hoạt động tái cấu trúc. Sự kết hợp giữa mở rộng cửa hàng và tiết kiệm chi phí sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục về doanh thu trong những năm tới, qua đó nâng cao giá cổ phiếu Starbucks.
Hiện cổ phiếu của Starbucks đang giao dịch với tỷ lệ P/E dự phóng ở mức 21,5 lần, một mức định giá theo giới phân tích là khá hấp dẫn xét đến các cơ hội tăng trưởng của công ty trong tương lai.
Tỷ lệ P/E của SBUX (nguồn: YCharts) |
Bởi hãng đặt mục tiêu mở rộng số lượng cửa hàng lên hơn 42% vào năm 2030, đồng thời tăng doanh thu trên mỗi cửa hàng ở mức trung bình một con số (4-6%). Kết hợp với kế hoạch tiết kiệm chi phí, lợi nhuận của Starbucks được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn nữa.
Theo giới phân tích, nếu tình hình Trung Quốc bắt đầu phục hồi và tốc độ tăng trưởng GDP cải thiện, Starbucks sẽ có động lực vượt qua các kỳ vọng hiện tại trong năm nay.