Đài Phát thanh - Truyền hình TP. Cần Thơ ngày nay (trước đây là Đài Phát thanh Cần Thơ)

Đài Phát thanh - Truyền hình TP. Cần Thơ ngày nay (trước đây là Đài Phát thanh Cần Thơ)

Gặp người chiếm đài phát thanh tại Cần Thơ năm xưa

Mỗi năm, cứ vào những ngày tháng Tư lịch sử, ông Năm Bình, người mà 39 năm trước từng chỉ huy chiếm giữ Đài Phát thanh Cần Thơ của Chính quyền Sài Gòn và đọc lời tuyên bố giải phóng Cần Thơ, lại ngồi suy tư bên những trang nhật ký như ôn lại kỷ niệm năm xưa, tưởng nhớ vong linh những đồng đội đã từng cùng mình vào sinh ra tử.

Năm Bình là tên gọi thân thiết của người chiến sĩ Nguyễn Văn Lưu. Ông Lưu kể: “Tên Năm Bình là do tổ chức đặt. Năm đó, ông là ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy vừa luân chuyển từ tỉnh Trà Vinh về tên là Ba Hòa, nên anh em gọi tôi là Năm Bình với ý nghĩa cùng nhau hạ quyết tâm giành độc lập tự do, hòa bình cho đất nước”.

Chúng tôi thật sự bất ngờ khi biết ông Năm Bình đã bước sang tuổi 91, bởi ông đi lại nhanh nhẹn, nghe, nói linh hoạt và rất minh mẫn. Ông vẫn nhớ vanh vách ngày giờ diễn ra từng sự kiện, từng trận đánh. Đặt biệt, giọng nói ông còn rất trong và ấm. Ông khoe tuy tuổi cao, nhưng ông thấy sức khỏe của mình còn rất tốt. Mỗi sáng, ông vẫn duy trì đều đặn đi bộ tập thể dục, chăm sóc cây cảnh quanh nhà, ăn uống cảm giác ngon miệng và ngủ rất ngon giấc.

Nhắc lại sự kiện chiếm giữ Đài Phát thanh Cần Thơ, ông kể rất rành rọt: “Lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, tại thị xã Cần Thơ, sĩ quan, nha cảnh sát Hậu Giang bỏ trốn, tôi gặp bác sĩ Lê Văn Thuấn, cơ sở công khai của ta đang giữ chức Tổng thư ký Hội Hồng Thập tự tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ) đề nghị lực lượng gác khám thả tù chính trị ở khám lớn và trại giam của Nha Cảnh sát Hậu Giang. Hai nơi này thả ra gần 6.000 người. Đến 12 giờ, tổ nội tuyến của ta ở trung tâm nhập ngũ số 4 (Vùng 4 chiến thuật của chế độ Sài Gòn) mở cửa thả 5.000 tân binh và đào binh. Hơn 11.000 tù nhân được thả, tỏa khắp Thành phố hô khẩu hiệu hoan nghênh Cách mạng, kết hợp với quần chúng mang theo cờ nổi dậy làm náo loạn Thành phố”.

11 giờ 30, đại đội cảnh sát dã chiến thuộc tiểu đoàn 410 Đầu Sấu bỏ chạy, 3 cơ sở trong phòng vệ dân sự thu 60 súng trao cho Cách mạng, 2 phòng vệ ở đường Tạ Thu Thâu (nay là đường Mậu Thân) gom 30 súng giao cho lực lượng khởi nghĩa cùng lúc đó, một toán phòng vệ dân sự cũng giao 20 súng cho quần chúng nổi dậy.

Ông Nguyễn Văn Lưu (ngồi) thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa Cần Thơ đọc lời kêu gọi lúc 15 giờ ngày 30/4/1975 tại Đài Phát thanh Cần Thơ

Để cổ vũ phong trào quần chúng nổi dậy, đồng thời giữ an ninh trật tự Thành phố trong lúc lộn xộn, rối ren, ông đã nghĩ ngay đến việc dùng tiếng nói trên Đài Phát thanh để kêu gọi, hướng dẫn quần chúng khởi nghĩa lật đổ Chính quyền Sài Gòn. Sau khi bắt liên lạc với cơ sở bí mật tại đài, ông Năm Bình lúc bấy giờ với cương vị là ủy viên Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã ra lệnh thành lập ngay Ban Khởi nghĩa gồm 12 người do ông dẫn đầu đi chiếm Đài Phát thanh Cần Thơ.

“Khi vào Đài Phát thanh, lực lượng của ta nhanh chóng hạ cờ 3 sọc, treo cờ Chính phủ cách mạng lâm thời lên, đồng thời phân phát truyền đơn cho đồng bào tụ tập xung quanh. Tôi và 2 chiến sĩ vào văn phòng gặp quản đốc đài. Hắn nói: ‘Đài này do tướng vùng (tức tướng Nguyễn Khoa Nam - Tư lệnh vùng 4 chiến thuật) quản lý, chưa có lệnh của tướng vùng, tôi không dám giao…’. Tôi cười gằn, đánh đòn tâm lý phủ đầu: ‘Tướng vùng của anh đâu còn nữa, đã trốn mất rồi! (thực ra Nguyễn Khoa Nam khi đó vẫn còn tại tư dinh), nếu muốn lập công với Cách mạng, thì phải giao ngay đài Phát thanh”.

Trước áp lực của quần chúng Cách mạng và những lời đanh thép và động viên thuyết phục, viên quản đốc phải chấp nhận để ông Năm Bình đọc lời tuyên bố giải phóng Cần Thơ trên Đài Phát thanh, “viên quản đốc tỏ ra ‘biết điều’, cẩn thận mở máy ghi âm thu thanh và mở lại băng cho tôi kiểm tra trước khi lên sóng. Lúc đó là 15 giờ (giờ Sài Gòn - sớm hơn giờ Hà Nội 1 giờ).

Lời tuyên bố được phát đi, phát lại trên Đài Phát thanh phủ sóng khắp vùng Tây Nam Bộ với nội dung: “Đại diện UBND Cách mạng TP. Cần Thơ đã tiếp quản Đài Phát thanh Cần Thơ. Quân Giải phóng sẽ tiến vào tiếp quản TP. Cần Thơ, đồng bào hãy bình tĩnh giữ gìn trật tự an ninh chung, bảo vệ tính mạng, tài sản của mình, cương quyết trừng trị bọn cướp bóc, phá hoại trật tự an ninh chung. UBND Cách mạng TP. Cần Thơ tuyên bố: xóa bỏ ngụy quyền phản động kìm kẹp đồng bào; giải tán các lực lượng võ trang, bán võ trang thuộc ngụy quyền Sài Gòn; hủy bỏ lệnh giới nghiêm do ngụy quyền đặt ra trước đây”…

Toàn bộ lời kêu gọi do ông soạn thảo, tự chịu trách nhiệm và đọc trước máy đã trấn an được tinh thần và định hướng, cổ vũ đồng bào nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân.

Đã 91 tuổi, nhưng ông Nguyễn Văn Lưu vẫn rất minh mẫn

Tại bản doanh Bộ chỉ huy tiền phương Tây Nam, Đài Phát thanh phát đi bản cho bọn địch đang phòng thủ Vòng Cung biết: “Ở Sài Gòn, Dương Văn Minh đã đầu hàng, TP. Cần Thơ đã được giải phóng. Toàn bộ quân địch phải buông súng đầu hàng! Nếu không, sẽ bị tiêu diệt!”.

Pháo binh của ta tiến công mãnh liệt vào chi khu Phong Điền, các cánh quân khác cũng tiến công dồn dập các đơn vị địch. 17 giờ ngày 30/4/1975, toàn bộ quân địch ở Vòng Cung đầu hàng! Các trung đoàn của Sư đoàn 4 của ta giải giáp Sư đoàn 21 của địch, Trung đoàn 11 (sư đoàn 7 của địch), Trung đoàn Bảo an tỉnh Phong Dinh, 2 thiết đoàn và 1 chi đội xe “nồi đồng”. 18 giờ, ta tiếp quản Sân bay Trà Nóc. 19 giờ ngày 30/4/1975, Cần Thơ hoàn toàn được giải phóng.

Trong những buổi kể chuyện truyền thống, nhiều đoàn viên thanh niên đã từng đặt câu hỏi với ông Năm Bình: “Khi chiếm Đài Phát thanh, mà chỉ có 12 người và 4 khẩu súng, bác có sợ không?”. Ông Năm Bình thẳng thắn: “Đi ít người cũng sợ, vì tại Đài, lúc nào cũng có một tiểu đội bảo vệ, có trang bị cả xe ‘nồi đồng’. Tuy nhiên, trong tình thế đó, buộc phải đi nước cờ đó, nếu không may bị hy sinh, thì đó cũng là đóng góp xương máu cho độc lập dân tộc như biết bao anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống để giành lấy hòa bình độc lập dân tộc như ngày hôm nay”.

Tin bài liên quan