Xuất khẩu tăng mạnh
Theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), ước sản phẩm xi măng tiêu thụ trong 10 tháng năm 2017 đạt khoảng 62,89 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt khoảng 79% kế hoạch của cả năm.
Trong đó, sản lượng sản phẩm xi măng tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt khoảng 47,22 triệu tấn, giảm 3% so với cùng kỳ. Trong khi thị trường xuất khẩu ước đạt khoảng 15,67 triệu tấn, tăng 20% với cùng kỳ năm 2016.
Việc kinh tế khởi sắc, nhiều dự án trọng điểm được triển khai, nhưng lượng tiêu thụ xi măng trong nước 10 tháng đầu năm giảm, theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân là do điều kiện thời tiết năm nay bất thuận, mưa nhiều và kéo dài, đã ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng.
Bên cạnh đó, nhiều công trình đang xây dựng bị đình trệ thi công do giá cát tăng cao đột biến cũng là nguyên nhân dẫn tới nhu cầu sử dụng xi măng tại thị trường trong nước giảm.
Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho biết, tình hình tiêu thụ xi măng trong nước có giảm so với cùng kỳ năm 2016, nhưng được bù lại nhờ lượng xuất khẩu lại tăng. Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch, 2 tháng cuối năm, ngành xi măng phải tiêu thụ 15 - 17 triệu tấn sản phẩm.
“Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thực sự nỗ lực”, ông Bắc nhấn mạnh.
Nhưng chưa thể yên tâm
Các chuyên gia khuyến cáo, mặc dù sản lượng xi măng xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong 10 tháng, nhưng để duy trì được đà tăng trong 2 tháng còn lại của năm là không dễ, bởi các doanh nghiệp sản xuất xi măng Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt cả về giá cả và chất lượng từ các đối thủ khác, ngay cả tại những thị trường xuất khẩu truyền thống là Philippines và Bangladesh.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), đối thủ “nặng ký” của xi măng Việt Nam trên thị trường xuất khẩu là Thái Lan và Trung Quốc. Đặc biệt, sức ép cạnh trạnh của xi măng Trung Quốc bắt đầu mạnh lên từ thời điểm năm 2015.
Cụ thể, theo VNCA, thị trường Trung Quốc sau thời gian phát triển nóng đã dư thừa công suất khoảng 670 triệu tấn xi măng, gấp khoảng 8 lần tổng công suất xi măng của Việt Nam. Con số khổng lồ này không chỉ gia tăng sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp sản xuất xi măng Việt Nam, mà còn gây sức ép lớn tới các nước xuất khẩu xi măng khác.
“Các doanh nghiệp nội cần nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, điều chỉnh nguồn cung phù hợp để tránh bị ép giá. Đồng thời, cũng cần phải vạch ra những chiến lược dài hạn về hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Phạm Văn Bắc chia sẻ.
Về mục tiêu năm 2018, với dự báo đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi vẫn được Chính phủ quan tâm, thị trường bất động sản sôi động trở lại, nhu cầu xây dựng của người dân vẫn nhiều, cùng với ước sản lượng tiêu thụ năm 2017, Bộ Xây dựng tính toán nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành năm 2018 khoảng 83 - 85 triệu tấn, tăng 4 - 6% so với năm 2017; trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 66 - 67 triệu tấn, xuất khẩu 17 - 18 triệu tấn.
Theo tìm hiểm của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, để không gây thêm những khó khăn cho ngành xi măng trong năm 2018, Bộ Xây dựng đã đề nghị Bộ Công thương, Tổ Điều hành thị trường trong nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ có chính sách hợp lý trong việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng trọng yếu như điện, than, xăng, dầu.
Theo đó, đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam cung cấp đủ than theo nhu cầu sản xuất và đảm bảo chất lượng than cho các nhà máy xi măng; EVN cấp đủ điện cho sản xuất xi măng. Kiến nghị Bộ Tài chính báo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Thuế giá trị gia tăng cho phù hợp với điều kiện thực tế…
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com