Gần đây nhất, Bảo Việt Nhân thọ vừa đưa ra thị trường sản phẩm bảo hiểm thông qua hệ thống phân phối của Ngân hàng Bảo Việt. Tập đoàn Bảo Việt cho biết thêm, sắp tới sẽ có những sản phẩm bảo hiểm mới được phân phối qua hệ thống Ngân hàng HSBC, đối tác nước ngoài "ruột" của tập đoàn tài chính - bảo hiểm này.
"Chúng tôi đang đẩy mạnh hợp tác với các đối tác hiện có, mở rộng thêm các đối tác ngân hàng mới, áp dụng các mô hình chuẩn mực về phát triển bancassurance dựa trên tư vấn của đối tác chiến lược HSBC là DN có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này", ông Hoàng Việt Hà, Giám đốc Khối quản lý hoạt động của Tập đoàn chia sẻ với ĐTCK về chiến lược đối với kênh phân phối bancassurance.
Vào đầu tháng 11 vừa qua, Prudential Việt Nam và Ngân hàng Citibank Việt Nam cũng ký kết hợp tác cho ra mắt các sản phẩm mới thông qua kênh bancassurance. Bốn sản phẩm nhân thọ, cùng một loạt sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, sẽ được Prudential giới thiệu ra thị trường qua hệ thống của Citibank.
Chiến lược của Bảo Việt hay sự hợp tác Citibank
Điều đáng chú ý là xu hướng này diễn ra trong bối cảnh cả ngân hàng và bảo hiểm đều đang gặp nhiều khó khăn do những vấn đề vĩ mô cũng như tác động từ chính sách thắt chặt tiền tệ. Trong tình hình chung ấy, các ngân hàng phần nào bất lợi hơn khi mà vấn đề thanh khoản của nhiều đơn vị trở nên căng thẳng, phần nhiều do người dân trước nỗi lo lạm phát hầu hết đều muốn gửi tiền ngắn hạn, thay vì gửi trung hạn và dài hạn.
"Xu hướng cho thấy các ngân hàng có nhu cầu bắt tay với các hãng bảo hiểm nhiều hơn. Các ngân hàng giờ đây ít tỏ ra 'cành cao' khi hợp tác với các hãng bảo hiểm như trước kia", Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm, ông Phùng Đắc Lộc nhận xét.
Theo ông Lộc, do doanh thu từ sản phẩm bảo hiểm phân phối qua kênh bancassurance vẫn được ghi nhận vào doanh thu tiền gửi của ngân hàng, trong khi tiền gửi bảo hiểm luôn có thời hạn kéo dài từ 5 năm đến vài chục năm, kênh phân phối bancassurance đang trở thành giải pháp hữu hiệu cho các ngân hàng tăng nguồn tiền gửi trung hạn và dài hạn trong bối cảnh khó khăn hiện tại.
"Các ngân hàng càng gặp khó khăn, kênh bancassurance càng phát triển", ông Lộc nhận xét.
Cùng chung nhận định này, ông Hà lý giải về xu hướng bắt tay giữa ngân hàng và bảo hiểm trong bối cảnh kinh tế khó khăn: "Nếu ngân hàng coi đây là một cơ hội để tăng doanh thu từ mảng 'kinh doanh khác' nhằm tăng cường đáp ứng các dịch vụ tài chính đa dạng cho khách hàng, đồng thời tạo thêm doanh thu trong khi những mảng kinh doanh chính đang gặp khó khăn, thì đây lại là một cơ hội tốt cho bancassurance"..
Thậm chí, ông Hà kỳ vọng bancassurance sẽ tiếp tục phát triển và sớm đạt được sự phát triển đáng kể trong năm tới, nhờ vào những cam kết ngày một nhiều từ ngân hàng với các DN bảo hiểm và sử dụng ngày càng nhiều các dịch vụ tài chính - ngân hàng của khách hàng.
Tuy nhiên, ông Lộc vẫn bày tỏ sự lo ngại nhất định về chất lượng của sự hợp tác này, khi mà các ngân hàng vẫn chỉ đơn thuần đóng vai trò đại lý cho các sản phẩm bảo hiểm đã có sẵn của phía đối tác. Điều đó có thể dẫn tới tình trạng sản phẩm đưa ra thì nhiều nhưng thực tế hiệu quả lại không cao.
"Vấn đề là ngân hàng có thực sự kết hợp với hãng bảo hiểm để thiết kế ra sản phẩm bancassurance hay không, hay là họ chỉ đóng vai trò đơn thuần là đại lý bán những sản phẩm có sẵn", ông Lộc nhận xét.
Cũng theo ông Lộc, muốn đánh giá thực sự chất lượng của các mối quan hệ ngân hàng - bảo hiểm, sẽ phải nhìn vào doanh thu lợi nhuận của các hãng bảo hiểm thu được từ kênh phân phối bancassurance.
Ông Hà cho biết, đóng góp từ kênh phân phối bancassurance tại Tập đoàn Bảo Việt đã tăng khoảng 200% trong năm 2011. Trong khi đó, Prudential Việt