Gập ghềnh báo cáo kinh tế của VEPR

Gập ghềnh báo cáo kinh tế của VEPR

(ĐTCK) Ngoài ghi nhận một số nội dung có tính phát hiện, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2013:“Trên đường gập ghềnh đến tương lai” của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) bị nhiều chuyên gia… chê.

> "Phải tính cái giá phải trả cho việc thắt chặt quá mức"

> “Không thể mãi giấu giếm căn bệnh nợ công”

Gập ghềnh báo cáo kinh tế của VEPR  ảnh 1Nếu muốn giải quyết xong nợ xấu trong 3 năm, Việt Nam phải chấp nhận bỏ ra chi phí khoảng 25 - 50% GDP

Vấn đề “nóng” được đề cập nguội

Có đến vài trăm người tham dự hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2013: “Trên đường gập ghềnh đến tương lai”, do Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và VEPR tổ chức vừa diễn ra. Điều này cộng với thông tin được đề cập trong Thông cáo báo chí: hội thảo thu hút sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Hội đồng lý luận Trung ương… cho thấy, Báo cáo thu hút sự quan tâm của các cơ quan hoạch định chính sách, cũng như giới chuyên gia. Tuy nhiên, nội dung của Báo cáo lại chưa xứng tầm với mối quan tâm đó, khi chiếm phần lớn thời lượng trong phần phản biện, lẫn ý kiến bình luận của các chuyên gia tại hội thảo là nhận định về những điểm còn thiếu của báo cáo này.

Là chuyên gia dành nhiều lời khen nhất cho Báo cáo, nhưng TS. Vũ Viết Ngoạn cũng cho rằng hàm lượng khuyến nghị chính sách có tính khoa học còn ít, các phần nội dung trong Báo cáo thiếu gắn kết, nếu không muốn nói là còn rời rạc…

Bên cạnh đó, TSKH Võ Đại Lược cũng thẳng thắn, nội dung Báo cáo chỉ nói nền kinh tế đang “gập ghềnh” đến tương lai chung chung, mà không đưa ra các luận chứng khoa học luận giải một câu hỏi lớn mà cả nhà hoạch định chính sách, lẫn giới chuyên gia và người dân đang quan tâm, là có phải nền kinh tế đang khó khăn hơn, các giải pháp để vượt qua khó khăn chưa tương xứng với tính chất và mức độ khó khăn mà nền kinh tế, DN đang phải đối mặt? Báo cáo mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra các giải pháp thuần túy kinh tế để giải quyết các vấn đề kinh tế, trong khi thực tiễn đang đòi hỏi bên cạnh các giải pháp kinh tế, nhất thiết phải có các giải pháp ngoài kinh tế, thì mới giải quyết được những khó khăn hiện tại của nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nhận xét, Báo cáo chưa đề cập sắc nét tình thế gay cấn mà nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt, đó là xử lý nợ xấu, phá băng tín dụng, mà lại quá thiên về điểm ra một loạt các nội dung về: tổng quan kinh tế thế giới và Việt Nam, đặc điểm lạm phát ở Việt Nam… Thậm chí, người đọc có cảm giác Báo cáo đã đề cập đến những vấn đề chẳng mấy ăn nhập với chủ đề của Báo cáo năm nay là “Trên đường gập ghềnh đến tương lai”, khi đi sâu phân tích sự điều chỉnh của thị trường lao động trong thời kỳ biến động kinh tế và tái cơ cấu…

Là chủ biên Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2013, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR, cho biết, Báo cáo đề cập toàn cảnh bức tranh của nền kinh tế, trên cơ sở đó cố gắng đưa ra các khuyến nghị chính sách tổng thể, trong khi dung lượng của báo cáo chỉ có giới hạn, nên nhóm nghiên cứu không thể chọn cách tiếp cận theo hướng chọn ra một vài vấn đề nóng nhất của nền kinh tế để đi sâu nghiên cứu. 

 

Phá băng tín dụng: Đừng ảo tưởng!

Một điểm mới của Báo cáo năm nay là dành riêng một chương bình luận về nợ xấu.

Liên quan đến vấn đề “nóng” của nền kinh tế hiện tại là xử lý nợ xấu, phá băng tín dụng, các chuyên gia cảnh báo, đừng ảo tưởng cho rằng thành lập VAMC và tín dụng dần tăng trở lại là mọi chuyện êm xuôi.

“Nếu không chấp nhận một cuộc đại phẫu đau đớn, thì ‘con bệnh’ nợ xấu sẽ không được cứu chữa căn cơ”, ông Sơn bày tỏ quan điểm và cho rằng, các giải pháp “đau” phải tiến hành nếu muốn xử lý nợ xấu thực chất và hiệu quả là chấp nhận để cho ngân hàng siết nợ, bán tài sản thế chấp, mở đường cho một vài tổ chức tín dụng yếu kém giải thể… Kinh nghiệm thế giới cho thấy, với quy mô nợ xấu như của Việt Nam hiện tại, phải chấp nhận bỏ ra chi phí khoảng 25 - 50% GDP nếu muốn giải quyết xong nợ xấu trong 3 năm. Nếu tiếp tục giải quyết bằng các giải pháp “mềm mỏng” như hiện tại, thì quá trình xử lý nợ xấu của Việt Nam rất có thể rơi vào tình trạng tương tự như Nhật Bản khi phải mất tới 15 năm.

“Muốn xử lý nợ xấu căn cơ, buộc phải tốn kém ngân sách hoặc phải in thêm tiền, chứ không có sự lựa chọn nào khác…”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói, đồng thời cảnh báo, đừng ngây thơ cho rằng cứ có VAMC, lãi suất giảm và tín dụng tăng dần là phá được băng tín dụng. Một nền kinh tế mạnh số một thế giới như Mỹ, nhưng cũng đã phải tốn kém không ít tiền của và thời gian, mới vực được cầu của nền kinh tế, khi quý I/2013, tín dụng mới dần tan băng.