Thực thi EVFTA, EU cam kết dành cho Việt Nam xuất khẩu 80.000 tấn gạo vào thị trường này với thuế suất 0%. Ảnh: Đức Thanh
Vắng bóng tại EU
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, ngành sản xuất lúa gạo trong nước đã xuất khẩu thành công 6,37 triệu tấn, trị giá 2,8 tỷ USD, tăng 4,2% về lượng so với năm 2018. Nhưng trong danh mục các thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam không có tên các nước thành viên EU, mà chỉ có Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh, Philippines, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore và một số thị trường châu Phi như Bờ Biển Ngà, Ghana…
Như vậy, dù là quốc gia xuất khẩu gạo thứ ba thế giới, nhưng hạt gạo Việt vẫn còn vắng bóng tại EU. Do đó, EVFTA dự kiến có hiệu lực từ đầu tháng 8 được kỳ vọng sẽ mở cửa thị trường EU cho nhiều loại nông sản Việt, trong đó có gạo.
Vậy, cơ hội để tăng xuất khẩu, hưởng thuế ưu đãi có dễ thành hiện thực với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước?
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, thị trường mở cửa, nhưng vấn đề lại nằm ở việc các doanh nghiệp trong nước có đáp ứng được tiêu chuẩn rất gắt gao của thị trường châu Âu đối với nông sản hay không.
“EU là một trong những thị trường có yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao nhất thế giới. Đặc biệt với nông sản, thủy sản, EU không chỉ đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất, mà còn chú trọng đến yếu tố môi trường, phát triển bền vững. Trong khi đó, việc kiểm soát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn nhiều vấn đề”, bà Trang lưu ý.
Một nguyên nhân khác khiến gạo Việt vắng bóng tại EU là vì thời gian qua mặt hàng này bị áp thuế rất cao, từ 5 - 45%, thậm chí một số nước trong khối EU áp mức thuế nhập khẩu với gạo Việt Nam lên tới 100%.
Đơn cử, nhiều loại gạo thơm thuộc dòng ST20, ST25 bán vào thị trường EU với giá 700 USD/tấn nhưng chịu thuế nhập khẩu 45%. Chính vì vậy, giá bán bị đội lên hơn 1.000 USD/tấn. Chưa kể, một số nước áp thuế 100% thì giá gạo thơm lên tới 1.400 USD/tấn. Trong khi đó, gạo Campuchia được miễn thuế nhập khẩu vào EU nên gạo Việt không thể cạnh tranh nổi.
Tận dụng hết hạn ngạch thuế quan
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ dành cho gạo Việt Nam lượng hạn ngạch thuế quan (TRQ) 80.000 tấn với thuế suất 0%. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 đến 5 năm.
Theo các chuyên gia lương thực, trước mắt, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng để xuất khẩu được hết hạn ngạch 80.000 tấn theo TRQ mà EU dành cho Việt Nam
Dù được hưởng TRQ, nhưng EU cũng đặt ra một loạt điều kiện trong giao thương. Cụ thể, các lô hàng gạo thơm khi xuất khẩu vào thị trường EU phải tuân thủ theo quy định thực thi của EU về việc mở và tiếp nhận TRQ nhập khẩu cho gạo có xuất xứ từ Việt Nam. Trong trường hợp số lượng đăng ký vượt quá số lượng có sẵn theo TRQ cho giai đoạn, EU sẽ cố định một hệ số phân bổ.
Các lô hàng gạo thơm thuộc diện TRQ khi xuất khẩu vào thị trường EU, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch, phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại (authenticity certificate) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nêu rõ gạo thuộc một trong các chủng loại được hưởng ưu đãi theo TRQ của EVFTA.
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), một cơ hội khác mà EVFTA mang lại cho ngành nông nghiệp Việt Nam là việc thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp chuyển giao công nghệ, cách thức tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó giúp tăng sản lượng, chất lượng nông sản, giúp nông sản Việt Nam tiến dần tới các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Bộ Công thương xây dựng văn bản hướng dẫn quy trình đăng ký giấy chứng nhận này để ban hành ngay khi EVFTA có hiệu lực.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) nhận định, mặc dù hạn ngạch xuất khẩu gạo sang EU chỉ 80.000 tấn, nhưng một khi các doanh nghiệp xuất khẩu thành công, vượt qua các cửa ải tiêu chuẩn từ EU, chứng minh được thủ tục giấy tờ về xuất xứ, giấy chứng nhận chủng loại… để được hưởng thuế 0%, sẽ nâng được vị thế của gạo Việt tại thị trường này, mở đường cho xuất khẩu tăng nhanh trong thời gian tới.
“Khi thuế được giảm về 0% và thuế giảm theo lộ trình, giúp cho gạo Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh với gạo Campuchia và các nước khác tại thị trường EU”, ông Bình cho biết.
Theo dự báo, xuất khẩu của một số ngành nông sản sẽ tăng đáng kể cho tới năm 2025 nhờ EVFTA, ví dụ như gạo (tăng thêm 65%), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%).
Tuy nhiên, để nắm bắt được các cơ hội này không phải là dễ dàng. Cửa đã mở, nhưng để có thể thông hành, hàng nông sản Việt Nam còn phải vượt qua nhiều rào cản như hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, hay vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ…
Các chuyên gia cho rằng, với tính chất sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, người nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp càng phải chủ động đẩy mạnh nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu cho nông sản.
Về dài hạn, những quy định khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam trong đó có gạo là đòn bẩy, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện và đồng bộ hơn.