Xuất khẩu gạo mang thương hiệu Việt
Tập đoàn Tân Long, chủ sở hữu thương hiệu gạo A An, đã xuất khẩu thành công lô hàng gạo ST25 mang thương hiệu A An vào Nhật Bản sau khi vượt qua quy trình kiểm nghiệm vô cùng khắt khe đối với hơn 600 chỉ tiêu. Đây cũng là lần đầu tiên, một thương hiệu gạo nội địa được xuất khẩu thành công vào thị trường “khó tính” như Nhật Bản.
Sự kiện đánh dấu bước tiến lớn không chỉ của thương hiệu gạo A An, mà còn của nền nông nghiệp nước nhà khi đã nâng tầm gạo đặc sản Việt, góp phần hội nhập sâu rộng vào chuỗi nông sản toàn cầu, nâng cao giá trị và đáp ứng xu thế phát triển nông nghiệp bền vững.
Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long chia sẻ, gạo A An được thị trường Nhật Bản đón nhận là thành công bước đầu trong việc đưa thương hiệu gạo Việt ra thế giới. Trong thời gian tới, Tân Long sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các dòng sản phẩm chủ lực khác như ST24, ST24 Organic và Japonica sang Nhật Bản, đồng thời tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại các thị trường lớn tiềm năng khác như Mỹ, châu Âu…
Cùng ngày gạo A An ra mắt tại thị trường Nhật Bản (30/6), 500 tấn gạo mang thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” đã được Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời giao cho khách hàng châu Âu, dự kiến tới Đức, Hà Lan và Pháp trong tháng 7.
Chuyến hàng đi châu Âu lần này của Lộc Trời chủ yếu là gạo thơm. Toàn bộ lô hàng được đảm bảo chất lượng, đóng gói trong bao bì riêng và đã đăng ký mẫu mã quốc tế. Đặc biệt, gạo “Cơm Việt Nam Rice” xuất khẩu sang Pháp sẽ được bán trong Carrefour - hệ thống siêu thị lớn tại châu Âu.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam tính toán, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 đạt trên 6 triệu tấn và đang đi đúng trọng tâm của ngành lúa là giảm sản lượng xuất khẩu, tăng giá trị nhờ vào các chủng loại gạo chất lượng cao, giá cao, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, lượng xuất khẩu lần này không quá lớn, nhưng là bước khởi đầu trong hành trình đưa gạo mang thương hiệu của Tập đoàn Lộc Trời chinh phục thị trường thế giới.
Việc xuất khẩu gạo đi châu Âu không chỉ giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm mang thương hiệu Việt, mà qua đó còn khẳng định chất lượng và khả năng cung ứng của ngành sản xuất lúa gạo trong nước. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng được ưu đãi thuế quan bằng 0% từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Theo cam kết từ EVFTA, EU dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch thuế quan hằng năm ở mức 0% với 80.000 tấn gạo thơm.
Dịch chuyển đầu tư đúng hướng
Dịch chuyển từ xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp sang các loại gạo chất lượng, giá trị cao, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất để vào được EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là định hướng của ngành lúa gạo, đã và đang được doanh nghiệp triển khai hiệu quả, đúng hướng.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng tiến tới xây dựng thương hiệu riêng để xuất khẩu gạo dưới tên doanh nghiệp Việt Nam, mang xuất xứ Việt Nam, như Tập đoàn Lộc Trời và Tập đoàn Tân Long vừa thực hiện thành công.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, ngành lúa gạo nước ta xuất khẩu 6,24 triệu tấn, thu về 3,3 tỷ USD, trong đó, tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89%, đã góp phần nâng giá gạo xuất khẩu bình quân từ 496 USD/tấn (năm 2020) lên trên 503 USD/tấn (năm 2021).
Đơn cử, với thị trường EU, tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA và nắm bắt được “khẩu vị” của khách hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thơm chất lượng cao đã có được mức giá tốt. Năm 2021, xuất khẩu gạo sang EU đạt 60.000 tấn, trị giá 41 triệu USD, tăng gần 1% về lượng, nhưng tăng hơn 20% về trị giá so với năm 2020.
Số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy, trong 10 nguồn cung gạo ngoại khối chủ yếu cho EU, gạo của Việt Nam tăng giá mạnh nhất (tăng 20,3%), đạt trung bình 781 USD/tấn.
Việt Nam vốn nổi tiếng thế giới với thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản, song chủ yếu là phân phối dưới thương hiệu của các đối tác quốc tế. Kể cả với những doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, lâu nay, gạo của tập đoàn này đã đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường khó tính nhất thế giới và được ưa chuộng tại châu Âu, nhưng cũng chỉ được phân phối dưới thương hiệu của đối tác tại các nước sở tại.
Do đó, việc xuất khẩu thành công gạo thương hiệu Việt sẽ mang đến rất nhiều cơ hội cho lúa gạo cũng như các loại nông sản tại thị trường châu Âu và nhiều thị trường khác. Từ đây, nông sản cũng sẽ được định hướng sản xuất theo hướng xanh hơn, bền vững hơn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Cùng với đó, nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường như EU, Hàn Quốc, Mỹ.
Đơn cử, với trường hợp của Tân Long, tập đoàn này đã có chiến lược đầu tư sản xuất lúa gạo chất lượng cao để chinh phục thị trường khó tính từ nhiều năm trước. Để đón bắt nhu cầu thị trường, Tân Long ưu tiên canh tác quy mô lớn các giống lúa giá trị cao như ST21, ST24, ST25 và các giống lúa khác của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long theo xu hướng canh tác xanh, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xuất khẩu và nội địa, từng bước hình thành thương hiệu gạo quốc gia.