Gáo nước lạnh dội vào “lò lửa” TikTok

Gáo nước lạnh dội vào “lò lửa” TikTok

0:00 / 0:00
0:00
Mảng thương mại điện tử của TikTok chịu ảnh hưởng lớn sau khi nền tảng này bị kiểm tra, chỉ rõ nhiều sai phạm.

“Ngôi sao đang lên”

TikTok Shop là “ngôi sao đang lên” trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Bắt đầu cung cấp dịch vụ thương mại điện tử từ tháng 4/2022, TikTok Shop đã phát triển thần tốc, có cuộc soán ngôi ngoạn mục các ông lớn khác.

Cụ thể, kết thúc quý II/2023, TikTok Shop đã vượt qua Lazada, đứng ở vị trí thứ 2 về thị phần tại Việt Nam với doanh thu 16.300 tỷ đồng (117 triệu sản phẩm được bán ra, 107.700 cửa hàng thương mại điện tử có lượt bán ra).

Để có sự bứt tốc như vậy, TikTok áp dụng chiến lược Shoppertainment (kết hợp giữa mua sắm và giải trí) - một hình thức mua sắm mới mẻ, nơi người mua có thể tham gia các hoạt động giải trí như chơi game hay xem video. Sản phẩm được tiếp cận người dùng một cách tinh tế, kích thích họ có nhu cầu mua hàng ngay lập tức, thay vì phải trải qua các bước truyền thống của quá trình mua hàng.

Báo cáo của Boston Consulting Group (BCG) cho biết, Shoppertainment là “cơ hội trị giá 1.000 tỷ USD” tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Giá trị thị trường dự kiến của Shoppertainment sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ 500 tỷ USD trong năm 2022. TikTok Shop tăng trưởng mạnh mẽ tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Singapore, Thái Lan. Trong đó, Việt Nam và Thái Lan thuộc nhóm thị trường ổn định với thị phần Shoppertainment chiếm 25-40%, dung lượng thị trường dưới 15 tỷ USD.

TikTok có 49,86 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên tại Việt Nam vào đầu năm 2023. Quảng cáo TikTok đã tiếp cận 68,9% tổng số người lớn từ 18 tuổi trở lên. Trong đó, phạm vi tiếp cận quảng cáo của TikTok tại Việt Nam tương đương 64% cơ sở người dùng Internet tại Việt Nam.

Thế nhưng, TikTok Shop đã bộc lộ nhiều vi phạm, như để các chủ shop bán tràn lan hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng cấm… TikTok Shop đang trở thành nơi tập trung của nhiều loại hàng hóa kém chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng.

Sai phạm từ hệ quả phát triển nóng

Kết quả kiểm tra hoạt động của TikTok tại Việt Nam công bố cho thấy, TikTok có nhiều hành vi vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong dư luận. Trong đó, nổi bật là các vi phạm về thương mại điện tử.

Cụ thể, TikTok chưa công bố thông tin về chủ sở hữu ứng dụng trên trang chủ của ứng dụng TikTok Shop theo quy định, vi phạm quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 62, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 (sửa đổi tại điểm b, khoản 33, Điều 3, Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/1/2022); chưa lưu trữ đầy đủ thông tin người bán theo quy định khi đăng ký sử dụng dịch vụ; chưa thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin về hàng hóa của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Văn phòng TikTok và Công ty TikTok Việt Nam không trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua trang web TikTok.com và ứng dụng TikTok. Việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam do TikTok Pte.Ltd (TikTok Singapore) trực tiếp quản lý, vận hành.

“Dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử do Văn phòng TikTok thực hiện thủ tục đăng ký thiết lập Sàn giao dịch thương mại thông qua ứng dụng TikTok theo ủy quyền của TikTok Singapore, nên theo quy định về thương mại điện tử, Văn phòng TikTok phải liên đới chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm trong việc cung cấp dịch vụ này theo quy định của pháp luật Việt Nam”, ông Tự Do cho biết.

Với nhiều sai phạm, Đoàn kiểm tra liên ngành đã đề nghị các giải pháp xử lý đối với TikTok, trong đó có hoạt động thương mại điện tử, như buộc cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan chức năng về danh sách người bán trên TikTok Shop phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan tới thương mại điện tử và thuế… Đồng thời, Bộ Công thương phải có giải pháp ngăn chặn và loại bỏ khỏi ứng dụng các sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật; có công cụ và biện pháp kiểm soát theo từ khóa và lọc thông tin theo từ khóa trước khi thông tin về hàng hóa, dịch vụ hiển thị trên ứng dụng; có biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; có biện pháp cảnh cáo hoặc từ chối cung cấp dịch vụ có thời hạn hoặc vĩnh viễn đối với những cá nhân, thương nhân, tổ chức có hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật…

Những động thái từ thị trường lớn nhất của TikTok tại Đông Nam Á là Indonesia, Việt Nam, Malaysia đã “dội gáo nước lạnh” vào tham vọng của TikTok khi muốn chiếm phần lớn thị phần 100 tỷ USD thương mại điện tử Đông Nam Á, làm bàn đạp tấn công thị trường thế giới với quy mô 1.700 tỷ USD. TikTok hiện có 325 triệu người dùng ở Đông Nam Á.

Để chuẩn bị cho tham vọng này, ông Chou Zi Chew, CEO TikTok đã tiết lộ rằng, TikTok sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào khu vực Đông Nam Á trong những năm tới.

"TikTok nhìn thấy cơ hội tăng trưởng tốt tại đây và chúng tôi quyết định sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Indonesia và khu vực Đông Nam Á trong nhiều năm tới", CEO TikTok tuyên bố.

Tuy nhiên, việc công bố các vi phạm pháp luật của TikTok tại Việt Nam, cùng các biện pháp xử lý quyết liệt chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thần tốc của ứng dụng này tại Việt Nam. TikTok, nếu không muốn bị cấm bán hàng như ở Indonesia, bị cảnh báo đỏ như tại Malaysia, thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc chính sách TikTok Việt Nam cho biết: “Chúng tôi cam kết tuân thủ quy định pháp luật địa phương. TikTok sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan để thực hiện kết luận kiểm tra. Nhiều kết luận kiểm tra đã được TikTok thực hiện, một số đang được thực hiện và một số nội dung cần phải có thời gian”.

Từ ngày 5/10/2023, lệnh cấm TikTok giao dịch thương mại điện tử trên mạng xã hội tại Indonesia có hiệu lực. TikTok có 125 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tại Indonesia. Tổng giá trị hàng hóa trên TikTok Shop tại Indonesia đã vượt 2,5 tỷ USD và vượt mốc 1 tỷ USD chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023.

Malaysia là thị trường tiếp theo có động thái cảnh báo TikTok. Giới chức Malaysia yêu cầu TikTok phải giải quyết các vấn đề liên quan đến thuật toán phân phối nội dung và quảng cáo sau những khiếu nại gần đây.

TikTok đang đối mặt với các lệnh cấm và sự giám sát chặt chẽ của Mỹ, châu Âu và Ấn Độ vì lo ngại an ninh quốc gia, bảo mật dữ liệu, cũng như những nội dung độc hại, ảnh hưởng xấu tới tâm lý trẻ em.

Tin bài liên quan