Gạo, cà phê có triển vọng tăng xuất khẩu
Hơn 30 doanh nghiệp Việt, trong đó có các tên tuổi như Dược Hà Nam, Vinafood 1, Hữu Nghị… đã có mặt tại Hội thảo giới thiệu thị trường Trung Đông và châu Phi: Cơ hội giao thương và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa” do Bộ Công thương tổ chức đã diễn ra hôm 21/11 tại Hà Nội, để trực tiếp nghe đại diện các sứ quán Nam Phi, UEA…thông tin về thị trường khu vực các quốc gia Trung Đông, châu Phi cho thấy sự quan tâm của các DN đến các thị trường này.
Bà Nguyễn Minh Phương, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, nông thủy sản Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường các quốc gia châu Phi, trong đó điểm nhấn là hạt gạo, cà phê, rau quả..
“Riêng năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu lượng gạo trị giá 422 triệu USD sang thị trường này, tiếp đến là cà phê cũng đạt giá trị trên 180 triệu USD, hạt tiêu 101 triệu USD, hàng thủy sản gần 110 triệu USD. Ngoài ra, máy tính điện tử, linh kiện đạt 117 triệu USD, dệt may 105 triệu USD, điện thoại và linh kiện 750 triệu USD"..., bà Phương dẫn chứng.
Với nhu cầu nhập khẩu hàng hóa về phục vụ tiêu dùng trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để gia tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Năm 2016, các nước châu Phi chi 35 tỷ USD nhập khẩu nông sản thực phẩm. Dự kiến, chi nhập khẩu các mặt hàng này sẽ tăng lên 110 tỷ USD vào 2025.
Yêu cầu về chất lượng, mẫu mã sản phẩm không quá khắt khe.
Với thị trường Trung Đông, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nên 80% lương thực thực phẩm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Năm 2016, nhập khẩu lương thực, thực phẩm của Trung Đông 40 tỷ USD, dự kiến tăng lên 70 tỷ USD vào 2025.
Nguồn: Bộ Công Thương
Đại diện Vụ Thị trường châu Á, châu Phi, Bộ Công Thương cũng nhận định, Khu vực Trung Đông – Châu Phi đang được biết đến như một khối thị trường giàu tiềm năng có nhu cầu nhập khẩu tương đối cao, không đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng.
Quan trọng hơn, trước thực tế các thị trường truyền thống của Việt Nam đang dần tiến đến độ bão hòa, việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới còn nhiều tiềm năng là một hướng đi không thể khác cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Phương lưu ý, thị trường các nước Trung Đông có nhu cầu lớn với nhiều loại nông, lâm thủy sản Việt Nam. Tất nhiên, để đưa hàng vào thị trường Trung Đông - châu Phi, doanh nghiệp nên để ý tới đặc thù thị trường khu vực hồi giáo, với những quy định nghiêm ngặt và đặc thù về bao gói, chất lượng sản phẩm.
Nhìn vào mức chi ngoại tệ nhập khẩu hàng hóa từ khu vực này càng lộ thêm tiềm năng cho hàng Việt. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu của Châu Phi đạt khoảng 480 tỷ USD. Dự báo đến năm 2020, Châu Phi sẽ nhập khẩu khoảng 1.200 tỷ USD hàng hóa các loại.
Đối với khu vực Trung Đông, năm 2016, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 807 tỷ USD và đến năm 2020 dự kiến sẽ lên tới 1.500 tỷ USD.
Trao đổi với Baodautu.vn, ông Đoàn Tùng, Phó phòng Xuất nhập khẩu Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị cho hay, xuất khẩu đang đóng góp khoảng 1/3 doanh thu của Hữu Nghị, trong đó việc tìm kiếm mở rộng thị trường Trung Đông, châu Phi là nhiệm vụ mà Công ty buộc phải triển khai sau khi đã đưa hàng sang được 20 thị trường xuất khẩu như Hoa Kỳ, châu Âu…
“Một đoàn cán bộ Công ty đã lên đường xúc tiến thị trường Ấn Độ, Bangladesh vào đầu tuần qua, và ngay đầu năm 2018, chúng tôi sẽ đi xúc tiến xuất khẩu tại khu vực thị trường Trung Đông, châu Phi”, ông Tùng xác nhận.
Chung tay tháo gỡ khó khăn về thanh toán
Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu sang Trung Đông, châu Phi các sản phẩm như gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, cao su tự nhiên, hạt điều, trái cây (đặc biệt là chuối, dứa, chanh..), thủy sản, hàng may mặc, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xuất khẩu với thị trường Trung Đông đều quan ngại về rủi ro trong thanh toán cao do nhiều nhà nhập khẩu Trung Đông không có thói quen mở L/C.
Riêng với châu Phi, sự cạnh tranh quyết liệt từ Trung Quốc và Ấn Độ tại thị trường này do doanh nghiệp Trung Quốc chấp nhận bán hàng trả chậm, trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam thường yêu cầu thanh toán ngay, khiến nhiều đối tác chuyển hướng sang lựa chọn nhập khẩu từ Trung Quốc cũng là một vấn đề đáng lưu ý với các DN.
Trước đó, tại Hội nghị hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Trung Đông, ông Trần Văn Trí, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Hợp tác quốc tế An Việt bày tỏ băn khoăn, thanh toán trong giao dịch với đối tác Trung Đông còn chưa thuận lợi, phải đi qua 1 nước thứ ba, điều này rủi ro với những đơn hàng cả 20 chục triệu USD. Bởi vậy, dẫu cơ hội thị trường rất lớn nhưng doanh nghiệp vẫn còn ngại ngần.
Một vấn đề nữa là tình trạng lừa đảo tại một số nước đặc biệt khu vực Tây Phi gia tăng trong thời gian gần đây, cũng tạo tâm lý ngại giao dịch của một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam.
Có mặt tại Hội thảo giới thiệu thị trường Trung Đông và châu Phi sáng 21/11, Đại sứ nước Cộng hòa Nam Phi, bà Kgomotso Ruth Magau cho biết, đối với những vấn đề còn là trở ngại trong giao dịch thương mại với Việt Nam, đại diện Đại sứ quán sẽ có trao đổi với Hải quan Việt Nam cũng như các doanh nghiệp liên quan đến nhập khẩu tháo gỡ để thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại với Việt Nam.
Ông Lý Quốc Thịnh, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) thông tin tới doanh nghiệp Việt Nam rằng, ngoài sức mua lớn, khu vực Trung Đông cũng có những nét khá đặc biệt. Đối với các sản phẩm thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm nhập khẩu vào đây cần phải có chứng nhận Halai (Giấy chứng nhận xác nhận, sản phẩm xuất khẩu không có chất cấm theo yêu cầu của Luật Hồi giáo). Doanh nghiệp Việt Nam hết sức lưu ý đến chứng nhận Halai khi xuất khẩu các mặt hàng này.