Theo Liên hợp quốc, 54 quốc gia đang chi hơn 10% doanh thu cho các khoản thanh toán lãi vay. Một số quốc gia bao gồm Pakistan và Nigeria đang sử dụng tới hơn 30% doanh thu chỉ để trả tiền lãi trái phiếu.
Tổng số tiền khoảng 850 tỷ USD vào năm ngoái đã được thanh toán lãi cho cả nợ nước ngoài và trong nước, điều này buộc các nền kinh tế đang phát triển phải chuyển bớt tiền từ chi tiêu trong nước trong khi làm tăng rủi ro cho các nhà đầu tư tại thị trường mới nổi.
“Gánh nặng lãi vay là rất lớn… Có rất nhiều sự hỗn độn với rất nhiều rủi ro”, Roberto Sifon-Arevalo, Giám đốc xếp hạng tín nhiệm quốc gia toàn cầu tại S&P Global Ratings cho biết.
Đây cũng là một thách thức bổ sung trong năm tới với nhiều bất ổn đối với các thị trường mới nổi. Tác động của Tổng thống đắc cử Donald Trump đối với triển vọng lãi suất của Mỹ và đồng đô la, căng thẳng địa chính trị gia tăng và lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc đã tạo tiền đề cho một năm 2025 đầy biến động.
Theo dữ liệu EPFR do Morgan Stanley biên soạn, các nhà đầu tư toàn cầu đã rút tiền khỏi các thị trường mới nổi, với dòng tiền chảy ra từ các kênh đầu tư tập trung vào nợ thị trường mới nổi phát hành bằng ngoại tệ mạnh trong năm nay lên tới hơn 14 tỷ USD.
Mặc dù vậy, các chính phủ đã xoay xở để vượt qua mà không có một vụ vỡ nợ quốc gia nào xảy ra vào năm 2024. Bên cạnh đó, cũng sẽ khó có bất kỳ quốc gia nào vỡ nợ vào năm tới, nguyên nhân chính là vì các tổ chức quốc tế bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang vào cuộc và thị trường vốn quốc tế mở cửa trở lại cho một số bên đi vay. Bối cảnh này đã giúp giải quyết các cuộc đàm phán nợ đã bị đình trệ trong nhiều năm.
Theo báo cáo nợ hàng năm của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), nợ của thị trường mới nổi đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua lên khoảng 29.000 tỷ USD, phần lớn trong số đó đến từ các khoản vay trong nước.
Điều này khiến các quốc gia phải gánh chịu các khoản thanh toán lãi cũng như các kỳ hạn trái phiếu cần phải trả hoặc tái cấp vốn. Theo JPMorgan, trong 2 năm tới, khoảng 190 tỷ USD nghĩa vụ nợ sẽ đến hạn đối với trái phiếu nước ngoài.
Một số quốc gia rủi ro nhất đã phải trả lãi suất hơn 9% để khai thác thị trường nợ quốc tế và gia hạn các kỳ hạn.
Các nhà phân tích của S&P dự kiến sẽ có nhiều vụ vỡ nợ hơn trong thập kỷ tới so với trước đây, do mức nợ và chi phí vay. Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây cũng đã cảnh báo về các khoản thanh toán lãi suất cao kỷ lục của các quốc gia nghèo.
Khả năng xảy ra một làn sóng vỡ nợ khác nhấn mạnh triển vọng rủi ro đối với các nhà đầu tư trái phiếu thị trường mới nổi, sau khi chịu ảnh hưởng lớn bởi một loạt các vụ vỡ nợ sau đại dịch. Ethiopia là quốc gia đang phát triển cuối cùng vỡ nợ vào cuối năm 2023.
Áp lực đang gia tăng đối với IMF để tiếp tục can thiệp và đưa ra các biện pháp hỗ trợ. IMF đang đàm phán với Argentina để đạt được thỏa thuận vào cuối năm nhằm thay thế và có thể mở rộng thỏa thuận trị giá 44 tỷ USD hiện tại.
Tại châu Á, IMF đã cứu trợ Sri Lanka và Pakistan trong năm nay. Vào tháng 10, Angola đã đưa ra ý tưởng khởi động các cuộc đàm phán với IMF về một chương trình mới, nhưng sau đó cho biết rằng hiện tại IMF sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật.
Theo các chiến lược gia của Morgan Stanley, khoảng 27% các thị trường mới nổi đang tham gia các chương trình của IMF và số lượng các quốc gia dựa vào chương trình của IMF sẽ còn tăng cao hơn nữa.
“IMF vẫn sẽ đóng vai trò chủ chốt… Chúng tôi cho rằng một phần lớn các chương trình sắp kết thúc sẽ được tái cấp vốn chủ yếu do những lo ngại về tài chính”, các chiến lược gia của Morgan Stanley cho biết.