FRT có tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu lên tới 2,8 lần.

FRT có tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu lên tới 2,8 lần.

Gánh nặng lãi vay của doanh nghiệp gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất tăng mạnh làm tăng gánh nặng chi phí vốn của các doanh nghiệp, nhất là ở những doanh nghiệp đang có nợ vay lớn.

Lãi suất tăng mạnh

Tuần qua, thị trường tiền tệ ghi nhận cuộc chạy đua nâng lãi suất huy động của các nhà băng. VPBank đang áp dụng mức lãi suất tiết kiệm cao nhất, lên tới 9,5%/năm cho kỳ hạn 36 tháng cho khoản tiền gửi từ 300 triệu đồng trở lên, gửi qua ngân hàng số.

Hàng loạt ngân hàng đã nâng biểu lãi suất huy động lên xấp xỉ mức 9%/năm như VietABank, Kienlongbank, SCB. Các ngân hàng khác cũng điều chỉnh mạnh lãi suất huy động sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định nâng lãi suất điều hành vào ngày 22/9/2022.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát đã khiến USD mạnh lên so với hầu hết các đồng tiền trên thế giới và VND cũng trong xu hướng này. Trong đó, chỉ số Dollar Index đã tăng 16,9%, từ 95,97 điểm lên 112,2 điểm (tính từ đầu năm 2022 đến 17/10/2022).

Nhiều tín hiệu cho thấy Fed có thể nâng lãi suất thêm 0,75%/năm tại cuộc họp Ủy ban Thị trường mở vào tháng 11 tới. Để tránh kịch bản mất giá nội tệ, ngân hàng trung ương các quốc gia đều tăng lãi suất điều hành và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Xu hướng lãi suất trong nước dự báo tiếp tục tăng, ít nhất cho tới khi Fed tăng lãi suất tới 4,5%/năm, mức lãi suất mà Fed kỳ vọng sẽ kiểm soát được lạm phát.

Cùng với việc nâng lãi suất huy động, lãi vay tại các ngân hàng cũng được điều chỉnh theo. Gánh nặng chi phí tài chính của các doanh nghiệp dần nặng thêm, nhất là các doanh nghiệp đang sử dụng nợ vay lớn.

Dữ liệu của FiinPro Platform cho thấy, tính tới 30/6/2022, Top 30 doanh nghiệp có tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu cao nhất dao động từ 1,7 - 2,8 lần. Trong đó, Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số (FPT Retail, mã FRT) là doanh nghiệp có tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu cao nhất, lên tới 2,8 lần.

Cụ thể, tính tới ngày 30/6/2022, FPT Retail đang có tổng dư nợ là 5.282,5 tỷ đồng, toàn bộ là dư nợ vay ngắn hạn. Công ty cho biết đây là các khoản vay không có tài sản đảm bảo với thời gian đáo hạn dưới 1 năm và lãi suất theo từng khế ước vay. Trong thời gian tới, các khoản vay này sẽ đáo hạn và khoản vay mới sẽ phải áp dụng mức lãi suất mới của ngân hàng.

Tuy nhiên, nhờ việc sở hữu lượng tiền và đầu tư tài chính lên tới 2.391,4 tỷ đồng, nợ vay ròng của FPT Retail chỉ còn khoảng 2.891,1 tỷ đồng và tỷ lệ nợ vay ròng trên vốn chủ sở hữu bằng 1,56 lần. Công ty có khả năng trả bớt nợ vay để giảm áp lực chi phí tài chính tăng thêm khi lãi suất tăng.

Ngược lại, trong trường hợp FPT Retail không sử dụng tiền mặt để giảm dư nợ, việc lãi suất tăng cao và các hợp đồng vay đáo hạn, việc ký hợp đồng vay mới với lãi suất cao sẽ làm tăng chi phí tài chính cho Công ty.

Khoản nợ vay 4.257,9 tỷ đồng tại Vietinbank, 1.376,9 tỷ đồng tại BIDV và 564,6 tỷ đồng tại TPBank của CII đều áp dụng lãi suất thả nổi, tức điều chỉnh tăng khi lãi suất ngân hàng tăng lên.

Mặc dù vậy, điểm tích cực là hoạt động kinh doanh của FPT Retail được dự báo sẽ khả quan nhờ động lực tăng trưởng mới đến từ chuỗi nhà thuốc Long Châu (bên cạnh chuỗi FPT Shop hoạt động ổn định). Chuỗi nhà thuốc này sau một giai đoạn đầu tư đã bắt đầu cho lãi từ năm 2021 và tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Tại Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (mã CII), tính tới cuối tháng 6/2022, tổng dư nợ vay lên tới 15.001,29 tỷ đồng (bằng 178,1% vốn chủ sở hữu), bao gồm cả nợ vay ngân hàng, tổ chức tín dụng và phát hành trái phiếu. Trong đó, tổng nợ vay tại Vietinbank là 4.257,9 tỷ đồng, nợ vay tại BIDV là 1.376,9 tỷ đồng và nợ vay tại TPBank là 564,6 tỷ đồng. Các khoản vay này đều áp dụng lãi suất thả nổi, tức là sẽ điều chỉnh tăng khi lãi suất huy động của ngân hàng tăng lên.

Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2022 sau soát xét của CII cho thấy, trong nửa đầu năm nay, chi phí lãi vay của Công ty lên tới 557,4 tỷ đồng. Với xu hướng lãi suất tăng lên, gánh nặng lãi vay của CII có thể khiến lợi nhuận của Công ty thêm “còm cõi”.

Áp lực trả lãi và đáo hạn khoản vay trái phiếu tăng lên

Bên cạnh áp lực tăng chi phí lãi vay (với các khoản vay mới cũng như cũ, do nhiều hợp đồng tín dụng áp dụng điều khoản thả nổi lãi suất), áp lực đáo hạn trái phiếu lớn dần với nhiều doanh nghiệp.

Sau giai đoạn thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ, theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), quý IV/2022, dự kiến sẽ có 85.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, tập trung vào nhóm ngân hàng (chiếm 53,4%), nhóm bất động sản (chiếm 27%). VCBS ước tính, giai đoạn 2023 - 2024, sẽ có khoảng 790.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn.

CII cho biết, tổng nợ vay và lịch thanh toán trái phiếu trong một năm tới là 2.584,24 tỷ đồng, trong năm thứ 2 là 3.061,21 tỷ đồng, trong năm thứ 3 đến năm thứ 5 là 3.788,96 tỷ đồng, sau 5 năm là 4.045,42 tỷ đồng.

Riêng đối với trái phiếu đã phát hành, Công ty đang có lịch thanh toán 2.050 tỷ đồng trong vòng 1 năm, 2.401 tỷ đồng trong vòng năm thứ 2, 872,5 tỷ đồng trong vòng năm thứ 3 đến năm thứ 5 và 1.150 tỷ đồng sau năm thứ 5.

Tại Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG), tính tới 30/6/2022, tổng nợ tăng 734,8 tỷ đồng lên 9.021,2 tỷ đồng, bằng 194,8% vốn chủ sở hữu. Trong đó, có 300 tỷ đồng nợ vay trái phiếu đáo hạn vào ngày 30/9/2023 và 5.271 tỷ đồng nợ vay trái phiếu đáo hạn ngày 30/12/2026.

Được biết, lãi suất của khoản vay trái phiếu đáo hạn ngày 30/12/2026 được tính là trung bình cộng của lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại 4 ngân hàng, gồm Agribank, BIDV, Vietinbank và Vietcombank cộng với biên độ 2%/năm. Chính vì vậy, trong xu hướng lãi suất tăng, chi phí tài chính cũng sẽ tăng trên dư nợ trái phiếu nói trên.

Nằm trong nhóm doanh nghiệp có tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu cao nhất trên sàn chứng khoán, áp lực chi phí tài chính của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Bình (mã HBC) cũng đang gia tăng. Tổng nợ vay của Công ty tại ngày 30/6/2022 là 6.534,6 tỷ đồng, tăng 1.436,9 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương 171,2% vốn chủ sở hữu. Trong đó, 5.466,2 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 1.068,4 tỷ đồng nợ vay dài hạn.

Trong đó, Công ty đang có dư nợ 982,5 tỷ đồng trái phiếu, lịch trả nợ dự kiến 508,5 tỷ đồng vào tháng 1/2025 và 491 tỷ đồng vào tháng 12/2026. Được biết, lãi suất trái phiếu dao động từ 9,6 - 9,75% trong năm đầu, các năm tiếp theo sẽ là lãi suất tiền gửi 12 tháng tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam cộng với biên độ 4 - 4,5%/năm.

Hay tại Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, tính tới 30/6/2022, tổng nợ vay đạt 20.954,7 tỷ đồng, bằng 267,5% vốn chủ sở hữu. Trong đó, có tới 20.616,8 tỷ đồng là nợ vay dài hạn.

Công ty thuyết minh 19.454,1 tỷ đồng vay tại Vietinbank, 943,9 tỷ đồng tại VietABank… Chi phí lãi vay 6 tháng đầu năm của Công ty là hơn 315 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2021, chi phí lãi vay của Công ty là gần 551 tỷ đồng.

Chi phí tài chính của các doanh nghiệp tăng theo xu hướng tăng lãi suất. Hạ đòn bẩy tài chính là cách giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng lãi vay nhưng điều này không dễ thực hiện, nhất là với những doanh nghiệp không có quỹ tiền mặt dồi dào, đầu ra đang gặp khó trước diễn biến bất lợi từ thị trường.

Tin bài liên quan