Với tỷ lệ hoán đổi 8,21:1, TTF đã phát hành thêm gần 95,6 triệu cổ phiếu để hoán đổi 11,76 triệu cổ phiếu của các cổ đông hiện hữu tại STT. Theo đó, nhóm cổ đông cũ của STT trở thành cổ đông mới của TTF, sở hữu tổng cộng hơn 30% trong tổng số 311,2 triệu cổ phiếu TTF đang lưu hành.
Sáp nhập STT, về mặt hình thức, TTF sở hữu ngay 1 lô đất có quy mô 5 ha ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương vẫn còn trong thời hạn thuê lâu dài. Về mặt kinh doanh, TTF có thể đẩy mạnh mảng xuất khẩu thông qua các đối tác của STT. Nhưng về mặt bản chất, TTF thực hiện sáp nhập STT nhiều khả năng phục vụ mục tiêu tài chính là chủ yếu.
Năm 2016, TTF bị phát hiện thiếu 980 tỷ đồng hàng tồn kho, Công ty đã phải trích lập ngay 960 tỷ đồng các khoản phải thu khó đòi, khiến TTF chứng kiến khoản lỗ kỷ lục 1.123 tỷ đồng vào quý II/2016. Bốn quý liền sau đó, TTF tiếp tục thực hiện trích lập hàng tồn kho kém phẩm chất và các khoản phải thu khó đòi, khiến tổng lỗ lũy kế đến cuối quý II/2017 lên đến 1.416 tỷ đồng.
Cơ cấu tài sản của TTF.
Trong quý II/2017, TTF ghi nhận khoản thu nhập từ tiền lãi vay được miễn với giá trị 84,6 tỷ đồng. Nếu không có khoản thu nhập này, TTF sẽ lỗ lũy kế trên 1.500 tỷ đồng và có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc vào thời điểm đó, với lý do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ (tại thời điểm 30/6/2017 là 1.446 tỷ đồng).
Để khắc phục vấn đề này, TTF lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu cho 12 cá nhân vào cuối năm 2017. Dù chỉ phát hành thành công 70 triệu cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ lên 2.146 tỷ đồng, song năm 2017 kinh doanh có lãi là điểm sáng giúp các nhà đầu tư kỳ vọng TTF sẽ tiếp tục hồi phục sau giai đoạn tái cơ cấu.
Tuy nhiên, TTF đã phải trích lập mạnh đợt thứ hai vào quý II/2018, hơn 383 tỷ đồng khoản phải thu khó đòi và 198 tỷ đồng khoản dự phòng giảm giá khoản tồn kho, khiến Công ty ghi nhận khoản lỗ 568 tỷ đồng trong kỳ. Đến cuối năm 2018, khoản lỗ lũy kế tăng lên 2.060 tỷ đồng, gần bằng vốn điều lệ.
TTF thoát khỏi nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc lần thứ hai nhờ cuối năm 2018, một trong những chủ nợ là ông Bùi Hồng Minh miễn khoản lãi vay 62,8 tỷ đồng và giảm khoản nợ gốc lên đến 137 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của TTF đến cuối năm 2018 chỉ còn chưa đến 20 tỷ đồng, tức nếu không có động thái miễn giảm lãi vay của ông Minh, Công ty đã bị hủy niêm yết bắt buộc vì vốn điều lệ sẽ âm.
Với việc phát hành cổ phiếu hoán đổi STT vừa qua, vốn điều lệ của TTF tăng thêm 956 tỷ đồng, qua đó loại bỏ nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc. Mặc dù vậy, nhiều khả năng TTF sẽ có một cuộc tái cơ cấu đợt 3, khi khoản phải thu và hàng tồn kho vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của Công ty.
Tổng giá trị hàng tồn kho và phải thu thời điểm cuối quý I/2019 của TTF là 1.638 tỷ đồng. Nếu trừ các khoản phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng hay các khoản tồn kho là các công trình dở dang đang thực hiện, thì vẫn còn khoảng 40 - 50% tổng các khoản mục kể trên là các tài sản có chất lượng khó xác định và nhiều khả năng vẫn nằm trong tầm ngắm cắt giảm như việc trích lập lượng hàng tồn kho chất lượng thấp hay các khoản phải thu khó đòi trong năm 2018. Đây là điểm mà các nhà đầu tư cần quan tâm khi xem xét đầu tư vào cổ phiếu TTF.