Chi phí dự phòng là nhân tố “ăn mòn” lợi nhuận của BIDV những năm qua.

Chi phí dự phòng là nhân tố “ăn mòn” lợi nhuận của BIDV những năm qua.

Gánh nặng dự phòng của các nhà băng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuy đã nỗ lực xử lý, song do thị trường có khó khăn nhất định nên các ngân hàng không dễ phát mãi tài sản thu hồi, mà vẫn chủ yếu tăng trích lập dự phòng nợ xấu.

Phải tăng của để dành

Trong năm qua, SCB cũng bị ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19, thể hiện qua tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu tăng so với đầu năm, nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép, lần lượt là 1,16% và 0,81%.

Ngân hàng ưu tiên trích lập dự phòng rủi ro tín dụng thêm gần 2.000 tỷ đồng trong năm qua, nâng tổng quỹ dự phòng rủi ro đến cuối 2020 lên gần 13.600 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay, SCB vẫn còn khoảng 20.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC chưa tất toán.

Trong khi đó, tổng số dư dự phòng của Sacombank đến cuối năm 2020 là 13.000 tỷ đồng, tăng 43,3% so với cuối năm 2019 (tương đương mức trích lập dự phòng trong năm 2020 là 3.951 tỷ đồng). Nhờ đó, đã kéo tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,94% xuống 1,64%.

Doanh số thu hồi và xử lý nợ xấu của Sacombank trong năm qua đạt hơn 15.200 tỷ đồng. Trong đó, đã thu hồi 8.200 tỷ đồng các khoản thuộc Đề án tái cơ cấu Sacombank sau khi sáp nhập thêm Southern Bank. Nâng mức thu hồi lũy kế từ khi triển khai Đề án lên 46.457 tỷ đồng, đạt 52,2% kế hoạch tổng thể Đề án đến 2025, vượt 4,2% tiến độ.

Tuy nhiên, đến hết năm 2020, tổng nợ xấu nội bảng của Sacombank tăng 0,8% lên 5.780 tỷ đồng và hiện Ngân hàng còn nắm giữ trên 15.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC, cần xử lý xong trước khi kết thúc Đề án tái cơ cấu đến năm 2023.

Kể từ năm 2015 đến nay, Sacombank đang trong quá trình thực hiện tái cơ cấu theo Đề án Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, nên chưa được phép chia cổ tức. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank từng trấn an cổ đông rằng, Ngân hàng sẽ hoàn thành tái cơ cấu sau mốc thời gian 2022 - 2023. Khi đó, chắc chắn Sacombank sẽ mạnh hơn và Ngân hàng sẽ được chia cổ tức cho cổ đông.

Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế cuối năm 2020 gần 6.496 tỷ đồng, Sacombank dự kiến sử dụng toàn bộ phần lợi nhuận này để chia cổ tức bằng cổ phiếu, tăng vốn điều lệ, đáp ứng kỳ vọng của cổ đông nếu được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Tuy nhiên, kế hoạch này của Sacombank đã không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Phải đến 2022, Sacombank mới được chia sau khi hoàn thành tái cơ cấu.

Chi phí dự phòng cũng là nhân tố “ăn mòn” lợi nhuận của BIDV những năm qua. Tại ĐHCĐ thường niên 2021 của BIDV tổ chức ngày 12/3 vừa qua, một cổ đông đã đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo Ngân hàng về tình trạng chi phí dự phòng luôn tăng theo các năm và ngốn hết lợi nhuận.

Theo cổ đông này, BIDV có tổng tài sản lớn nhất hệ thống, lợi nhuận kinh doanh thuần trước trích lập dự phòng rủi ro không thua kém Vietcombank. Tuy nhiên, sau khi trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận của BIDV chỉ gần bằng quỹ trích lập dự phòng rủi ro của Vietcombank.

Trong khi đó, quỹ trích lập dự phòng của BIDV lại lên tới hơn 23.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2020, tương đương với lợi nhuận của Vietcombank thu về năm 2020.

Năm 2020, trong khi 28 ngân hàng dành bình quân 39% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh để trích lập dự phòng, thì con số này tại BIDV lên tới gần 72%, cao hơn nhiều so với VietinBank (42%) và Vietcombank (30%).

Điều này có nghĩa, cứ 100 đồng làm ra thì BIDV phải dành 72 đồng để dự phòng, trong khi VietinBank chỉ cần 42 đồng, còn tại Vietcombank là 30 đồng và bình quân ngành là 39 đồng.

Có thể thấy, việc phát mãi tài sản thu hồi nợ xấu trong năm qua không mấy khả qua, nhất là kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, bất động sản khó khăn. Điều này dẫn đến nhiều ngân hàng mua lại nợ xấu từ VAMC khó sớm được xử lý triệt để, buộc phải tăng trích dự phòng.

Các ngân hàng như Sacombank, BIDV… đã có hàng chục lần rao bán phát mãi một số tài sản là bất động sản nhưng không tìm được người mua.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM cũng cho thấy, lũy kế từ đầu năm 2020 đến hết tháng 10/2020, trên địa bàn Thành phố đã xử lý được 37.314 tỷ đồng nợ xấu. Trong số đó, thu nợ xấu bằng tiền là 13.232 tỷ đồng, sử dụng quỹ dự phòng rủi ro đến 19.633 tỷ đồng, còn bán tài sản để thu nợ chỉ có 298 tỷ đồng và bán nợ cho VAMC 65 tỷ đồng.

Chưa hết gánh nặng

Việc trích lập dự phòng cụ thể nhiều hay ít của các ngân hàng chịu ảnh hưởng từ chất lượng dự nợ cho vay. Nói cách khác, nếu nợ xấu càng nhiều thì gánh nặng trích lập của các ngân hàng càng tăng.

Thực tế, đến cuối năm 2020, BIDV tiếp tục đứng đầu ngành về quy mô nợ xấu với 21.342 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm trước và bỏ xa hai ông lớn cùng nhóm quốc doanh khác là VietinBank (9.519 tỷ đồng), Vietcombank (5.229 tỷ đồng). Đồng thời, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng này cũng chỉ ở mức gần 90%, kém hơn VietinBank (132%) và Vietcombank (370%).

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, Ngân hàng rất muốn giảm dự phòng, cải thiện lợi nhuận, qua đó tác động tích cực đến giá cổ phiếu. Tuy nhiên, việc dự phòng tăng mạnh trong nhiều năm qua là kết quả của quá trình phát triển mạnh về quy mô để lại những khiếm khuyết.

Theo ông Tú, trong suốt 4 năm vừa qua, Ngân hàng đặt mục tiêu làm sạch bảng cân đối tài sản, quan điểm đạt hiệu quả trong dài hạn, nên trích lập khá nhiều dự phòng, khiến lợi nhuận khiêm tốn so với tổng tài sản BIDV.

Trong năm 2021, BIDV đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 13.000 tỷ đồng, tăng hơn 44% so với mức thực hiện của năm 2020. Cơ sở để đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh, ngoài việc gia tăng các nguồn thu, lãnh đạo BIDV cũng dự báo, mức trích lập dự phòng sẽ ở mức tương đương năm 2020, khoảng 24.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo BIDV kỳ vọng, từ năm 2021, trích lập dự phòng rủi ro sẽ giảm dần, lợi nhuận sẽ tăng 24 - 38%/năm trong 5 năm tới. Hiện Ngân hàng đang tập trung trích lập để đảm bảo tỷ lệ bao phủ nợ xấu 5 năm tới lên trên mức 130%.

Với Vietcombank, đến cuối năm 2020, nợ xấu ở mức 5.229 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cuối tháng 9/2020 và giảm 10% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 0,6%/tổng dư nợ. Theo nhìn nhận của ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, đây là mức thấp nhất trong lịch sử của ngân hàng này.

Nhưng năm 2020 cũng là năm quỹ dự phòng rủi ro của Vietcombank lên mức kỷ lục 19.344 tỷ đồng. Việc đẩy mạnh trích lập khiến tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng của Vietcombank đạt mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng, hơn 370%.

Dù Thông tư 03 cho phép nhà băng kéo dài thời gian tới cơ cấu, giãn nợ đến hết năm nay, song các ngân hàng nên tự chuẩn bị dự phòng để đảm bảo an toàn trong hoạt động.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến hết năm 2020 các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020, với dư nợ gần 335.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 600.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng.

Với việc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 03/2021, sửa đổi Thông tư 01, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, các ngân hàng sẽ được trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho những khoản nợ cơ cấu do ảnh hưởng dịch trong thời gian dài hơn. Lộ trình trích lập dự phòng kéo dài trong 3 năm.

Do đó, năm 2021, nợ xấu hệ thống có thể chưa tăng lên, do các khoản nợ xấu được “che dấu” bởi Thông tư 01 được kéo dài tái cơ cấu đến hết năm 2021. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là không đòi hỏi các ngân hàng thôi trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn. Điều này cũng sẽ khiến lợi nhuận ngân hàng năm 2021 ảnh hưởng.

Thực tế, các ngân hàng đã trích lập dự phòng mạnh trong 2020 cho các khoản nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cũng cho rằng, dù Thông tư 03 cho phép nhà băng kéo dài thời gian tới cơ cấu, giãn nợ đến hết năm nay, song các ngân hàng nên tự chuẩn bị dự phòng để đảm bảo an toàn trong hoạt động.

Một hướng đi khác có thể đẩy nhanh xử lý nợ xấu được gợi mở, đó là cần sớm đưa vào vận hành sàn giao dịch mua bán nợ xấu.

Được biết, tại Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn giao dịch mua bán nợ giai đoạn 2021 - 2025.

Cùng với việc xây dựng Sàn giao dịch mua bán nợ, lãnh đạo VAMC cũng đề xuất các cơ quan nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện ngay khi sàn đi vào hoạt động…

Tin bài liên quan