Đẩy vốn tín dụng
Số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến ngày 25/3/2025, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 16 triệu tỷ đồng, tăng 2,49% so với cuối năm 2024 và tăng 17,65% so với cùng kỳ năm 2024. Kết quả này là nhờ nỗ lực đẩy vốn tín dụng ngay từ đầu năm của hệ thống ngân hàng nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, phục vụ cho kế hoạch tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay được Chính phủ đề ra.
Ông Phạm Quang Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện về cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng một cách nhanh và hiệu quả nhất. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo quyết liệt và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định số 25 về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng hạn mức cho vay không tài sản đảm bảo đối với hộ cá nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã lên 300 triệu đồng - 500 triệu đồng - đến 3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ông Dũng thông tin, tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 nhằm luật hoá 3 nội dung tại Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu. Đó là tổ chức tín dụng được thu giữ tài sản đảm bảo, được kê biên tài sản đảm bảo và được hoàn trả tài sản đảm bảo bị kê biên trong các vụ án.
![]() |
“Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục linh hoạt, đổi mới trong điều hành tín dụng; tiếp tục điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cố gắng giảm mặt bằng lãi suất để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Dũng khẳng định.
Hệ thống ngân hàng đang đóng vai trò là kênh cung ứng vốn chủ đạo cho nền kinh tế và dữ liệu lịch sử cho thấy, cứ 2 điểm phần trăm tăng trưởng tín dụng có thể thúc đẩy GDP tăng trưởng 1 điểm phần trăm.
Tại Agribank - ngân hàng 100% vốn Nhà nước, thực hiện mục tiêu cho vay “tam nông”, theo chia sẻ của Phó tổng giám đốc Hoàng Minh Ngọc, với quy mô tổng tài sản đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, huy động vốn 2,1 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng của Ngân hàng tính đến thời điểm cuối năm 2024 đạt 1,72 triệu tỷ đồng, tăng 170.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm, đóng góp 8,1% vào dư nợ tăng thêm của toàn hệ thống trong năm qua (2,1 triệu tỷ đồng). Năm nay, Agribank đặt mục tiêu quy mô dư nợ tăng thêm khoảng 220.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 14%.
Ông Ngọc chia sẻ, Agribank chủ động kiểm soát lãi suất huy động ở mức thấp, tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay. Argibank cũng niêm yết công khai lãi suất huy động, lãi suất cho vay bình quân định kỳ hàng tháng trên website của Ngân hàng. Trong tháng 2/2025, lãi suất cho vay ngắn hạn tối thiểu được Ngân hàng niêm yết ở mức 4,8%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên tối đa 4,0%/năm; lãi suất cho vay trung dài hạn tối thiểu 6,0%/năm. Bên cạnh đó, Ngân hàng nỗ lực cải tiến quy trình, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục cấp tín dụng, ứng dụng công nghệ thông tin vào cung cấp những sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm thời gian giao dịch, cho vay, tăng cường khả năng tiếp cận của khách hàng, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa.
“Chúng tôi đã và đang đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm nắm bắt nhu cầu vay vốn và kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khách hàng”, ông Ngọc cho biết thêm.
Nói về vai trò của ngành ngân hàng, ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của địa phương thì ngoài đầu tư công, phải trông đợi vào khu vực doanh nghiệp. Ngay trong đầu tư công, các nhà thầu vẫn phải vay ngân hàng, còn các dự án ngoài đầu tư công thì gần như đều phải vay vốn ngân hàng.
Chủ thể chính trên thị trường trái phiếu chính phủ
Năm 2025, Chính phủ tăng tốc đầu tư công, với quy mô vốn dự kiến là 875.000 tỷ đồng. Để có nguồn vốn phục vụ kế hoạch này, Bộ Tài chính dự kiến phát hành khoảng 500.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ - mức cao nhất từ trước tới nay.
Trong tháng 3 vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức 15 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành, huy động được 65.329 tỷ đồng, tăng 124% so với giá trị huy động trong tháng trước đó. Lũy kế 3 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 110.440 tỷ đồng qua đấu thầu trái phiếu chính phủ, đạt 99,5% kế hoạch quý I và 22,09% kế hoạch cả năm.
Trái phiếu phát hành thành công trong tháng 3 có 4 kỳ hạn, gồm 5, 10, 15 và 30 năm; trong đó, chủ yếu là kỳ hạn 10 năm, với tỷ trọng 92,6%, tương đương 60.523 tỷ đồng. Lãi suất huy động trái phiếu chính phủ đợt cuối tháng 3 đối với kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 30 năm lần lượt là 2,15%/năm, 2,96%/năm, 3,05%/năm và 3,28%/năm. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 5 năm tăng nhẹ 0,05%/năm so với cuối tháng trước, các kỳ hạn còn lại có lãi suất giảm nhẹ hoặc giữ nguyên.
Trên thị trường trái phiếu chính phủ thứ cấp, giao dịch cũng diễn ra khá sôi động. Giá trị giao dịch bình quân phiên trong tháng 3/2025 đạt 16.528 tỷ đồng/phiên, tăng 23,8% so với tháng trước; trong đó, giá trị giao dịch outright chiếm 68,83%, giá trị giao dịch repos chiếm 31,17% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2025, tổng giá trị giao dịch thứ cấp đạt 791.118 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 13.640 tỷ đồng, tăng 15,79% so với bình quân cả năm 2024.
Đáng chú ý, các ngân hàng thương mại giữ vai trò nhà tạo lập thị trường công cụ nợ của Chính phủ trong bối cảnh phát hành trái phiếu chính phủ gia tăng mạnh để hỗ trợ hoạt động đầu tư công. Số liệu thống kê qua báo cáo tài chính đến cuối năm 2024 cho biết, BIDV là đơn vị nắm giữ danh mục trái phiếu chính phủ lớn nhất trong toàn hệ thống ngân hàng với 131.484 tỷ đồng. Tiếp theo là Vietcombank, với 89.434 tỷ đồng; VietinBank với 80.970 tỷ đồng. Trong khối ngân hàng thương mại tư nhân, MB dẫn đầu, với 71.726 tỷ đồng; Sacombank 69.555 tỷ đồng, Techcombank 48.463 tỷ đồng và MSB với 42.993 tỷ đồng… Giá trị nắm giữ trái phiếu chính phủ của HDBank năm 2024 tăng tới 109% so với năm 2023; trong khi tại MSB tăng 90%, Techcombank tăng 66%...
Chia sẻ về định hướng hoạt động tín dụng năm 2025, lãnh đạo Agribank cũng khẳng định, “ngoài đối tượng truyền thống là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân (chiếm khoảng 65%/tổng dư nợ), Ngân hàng sẽ tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm về phát triển hạ tầng, các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ”.
Từ góc nhìn của bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty MBS, hệ thống ngân hàng vừa cung ứng vốn cho nền kinh tế theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% vừa duy trì vai trò nhà tạo lập thị trường công cụ nợ của Chính phủ, chủ yếu do thị trường tài chính Việt Nam quá thiếu các định chế tài chính phi ngân hàng. Hiện số lượng công ty bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng đầu tư, quỹ đầu tư… vẫn còn quá ít và quy mô nhỏ bé.
Khuyến nghị được bà Hiền đưa ra, vốn ngân hàng nhằm bổ sung cho vốn lưu động, vốn ngắn hạn và việc ngân hàng huy động vốn ngắn hạn nhưng cho vay trung dài hạn sẽ mang đến những rủi ro cho hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung. Để đảm bảo tính an toàn, bền vững cho hệ thống ngân hàng cũng như hệ thống tài chính, một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy sự phát triển của các định chế tài chính phi ngân hàng như các công ty bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng đầu tư, quỹ đầu tư...
“Cần mở rộng sự tham gia của quỹ hưu trí tư nhân, quỹ bảo hiểm xã hội, nhất là phải tạo cơ chế cho các quỹ hưu trí phát triển’, bà Hiền nhấn mạnh.