Gắn thúc đẩy tăng trưởng với chuyển dịch số

Gắn thúc đẩy tăng trưởng với chuyển dịch số

(ĐTCK) Năm 2018, cơn bão số tiếp tục bùng nổ, khi chuyển dịch số được triển khai ở cả dịch vụ công và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là hoạt động của ngành tài chính, ngân hàng.

Chuyển dịch số trong dịch vụ công

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ trong một vài năm gần đây với sự phổ cập của băng thông rộng và sự chuyển dịch số hóa. Tại Việt Nam, một vấn đề đáng chú ý là sự thay đổi rõ rệt trong dịch vụ công nhờ chuyển dịch số, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng và đảm bảo công bằng trong các dịch vụ công.

Cùng với đó, chính phủ điện tử được thúc đẩy. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm hơn tới vấn đề này khi môi trường kinh doanh thuận lợi được thiết lập, hỗ trợ và đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, khách hàng "trực tuyến" (online), thay vì "xếp hàng" (in-line). Chính phủ điện tử cho thấy rõ ràng tiềm năng cải thiện chất lượng, phạm vi và khả năng tiếp cận các dịch vụ, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

Giới quan sát cho rằng, cùng với khả năng kết hợp các dịch vụ hiện có, chính phủ điện tử có thể tạo nên sự thay đổi về chất trong cách công dân tương tác với chính phủ, cũng như các biện pháp điều hành nền kinh tế và quản lý xã hội của chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết, Chính phủ đã có kế hoạch cụ thể để ban hành Nghị quyết mới về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển Chính phủ điện tử trong giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Thủ tướng cũng đã chuẩn bị cho việc thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn lại Ủy ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới nền hành chính hiện đại, hiệu quả trong bối cảnh hiện nay là hoạt động thiết thực, bám sát được tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Theo ông Hồng, Thủ tướng cũng đang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới cách nghĩ, cách làm và phải làm một cách quyết liệt công tác cải cách hành chính, gắn chặt cải cách hành chính với ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử các cấp và coi CNTT là công cụ, phương thức đổi mới, phát triển

Trong nhóm bộ và cơ quan ngang bộ, Bộ Tài chính là cơ quan đi đầu trong việc phát triển Chính phủ điện tử, với số lượng hồ sơ trực tuyến giải quyết trong năm là hơn 20 triệu hồ sơ, chiếm đại đa số tổng hồ sơ giải quyết.

Trong khi đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ xếp hạng nhất trong số các cơ quan thuộc Chính phủ đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính, với hơn 166 triệu hồ sơ trực tuyến của dịch vụ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong năm 2017.

Gắn thúc đẩy tăng trưởng với chuyển dịch số

Trong 2 năm trở lại đây, công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán phi tiếp xúc đã được ứng dụng một cách mạnh mẽ tại Việt Nam. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, giá trị giao dịch tài chính qua điện thoại di động năm 2017 tăng 81% và giá trị giao dịch qua Internet tăng 67% so với năm trước.

Cả nước hiện có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Trong đó, tính đến hết 9 tháng đầu năm 2017, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt trên 90 triệu, với giá trị giao dịch hơn 423.000 tỷ đồng (tương ứng đạt 93% và 139% so với năm 2016). Các công nghệ, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên đa dạng.

Tại hội thảo eBanking Vietnam mới diễn ra, nhiều giải pháp về phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng ngân hàng số, mô hình thanh toán không dùng tiền mặt mới... được đưa ra.

Trong đó, đang chú ý là giải pháp hạ tầng điện toán đám mây do Công ty thành viên của CMC là CMC Telecom cung cấp. Giải pháp này hỗ trợ các tổ chức tài chính - ngân hàng thường xuyên được nâng cấp những công nghệ mới, tiết kiệm chi phí đầu tư cho phần cứng và đảm bảo được tính bảo mật.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện CMC Telecom cho biết, hiện nay nhiều tổ chức tài chính tại Việt Nam đang có xu hướng tái cấu trúc hạ tầng và an ninh trung tâm dữ liệu, xây dựng trung tâm dữ liệu ứng dụng công nghệ ảo hóa, sử dụng điện toán đám mây Private Cloud.

Nhận thức được nhu cầu chuyển dịch số của các ngân hàng, CMC Telecom đã và đang tiếp tục đầu tư toàn diện cho bài toán này và cung cấp giải pháp hạ tầng điện toán đám mây, bảo mật dữ liệu toàn diện cho ngân hàng số.

Về vấn đề gắn thúc đẩy tăng trưởng với chuyển dịch số, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định, kinh tế số đang ngày càng trở nên quan trọng với nền kinh tế toàn cầu.

Sự chuyển đổi kinh tế số là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng của một quốc gia, đồng thời là nền tảng để tăng năng suất cho các ngành nghề kinh tế khác, cũng như tạo ra các cơ hội đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp và phương thức tiếp cận thị trường mới. 

Tin bài liên quan