Về phía ngân hàng, nhiều cán bộ tín dụng đối mặt với trách nhiệm hình sự từ những quan điểm xem xét sai phạm trong khâu quản lý hàng hoá thế chấp. Vấn đề ở chỗ, dường như chưa có sự phân biệt rõ ràng về hai phương thức nhận hàng hoá thế chấp căn bản của ngân hàng trong nhiều vụ án hình sự.
Hai phương thức thế chấp hàng hoá khác biệt
Trong lĩnh vực nghiệp vụ bảo đảm tiền vay ngân hàng, có hai phương thức thế chấp hàng hóa hoàn toàn khác biệt. Đó là thế chấp hàng hóa tồn kho và thế chấp hàng tồn kho luân chuyển (hay còn gọi là hàng lưu kho bình quân).
Nếu là thế chấp hàng tồn kho, ngân hàng sẽ phải xác định một số lượng hàng hóa cụ thể với những thông tin thuộc tính, chứng từ cụ thể và quản lý chặt chẽ theo nguyên tắc tiền vào - hàng ra. Khách hàng không được phép sử dụng hàng hóa thế chấp, không được chuyển dịch hàng hóa thế chấp nếu không được sự đồng ý của ngân hàng và không có lệnh xuất hàng của ngân hàng.
Khi muốn xuất hàng hóa ra khỏi kho, khách hàng phải giảm trừ dư nợ hoặc thay thế bằng một tài sản bảo đảm khác có giá trị tương đương. Do vậy, ngân hàng phải kiểm soát, kiểm tra thường xuyên đối với hàng hóa, kho hàng.
Ngược lại, nếu là thế chấp hàng tồn kho luân chuyển, ngân hàng không kiểm soát trực tiếp, cụ thể đối với hàng hóa. Khách hàng chỉ cần cam kết duy trì trong kho một số lượng hàng có giá trị đủ để bảo đảm cho một lượng giá trị dư nợ theo cam kết và báo cáo với ngân hàng.
Đặc thù của phương thức nhận bảo đảm bằng hàng tồn kho luân chuyển là khách hàng được quyền tự do xuất, nhập hàng, tự do sử dụng hàng hóa, bán, trao đổi hàng hóa, ngân hàng không quản lý.
Cơ sở pháp lý cho cách triển khai nhận thế chấp này chính là khoản 4, Điều 321, Bộ luật Dân sự năm 2015, trong đó ghi nhận quyền của bên thế chấp như sau: “Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp. Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận”.
Vậy nên, sự khác biệt của hai phương thức nhận thế chấp hàng hoá chính là mức độ đòi hỏi của việc kiểm soát cụ thể đối với hàng hoá.
Kiểm soát khác biệt, trách nhiệm cũng cần khác biệt
Trong nhiều vụ án hình sự về ngân hàng, bất luận phương thức nhận thế chấp hàng hoá ra sao, nhiều bản kết luận điều tra, cáo trạng lẫn bản án thường ghi nhận trách nhiệm của cán bộ ngân hàng sai phạm vì không kiểm tra, kiểm soát cụ thể số lượng, trọng lượng hàng hoá thế chấp.
Việc đặt vấn đề sai phạm nêu trên hoàn toàn không đúng với tính chất nghiệp vụ bảo đảm tiền vay trong nhận thế chấp hàng hoá tồn kho luân chuyển. Đối với hàng hoá tồn kho luân chuyển, ngân hàng chỉ theo dõi và kiểm soát số liệu trên các báo cáo cam kết về số lượng hàng từ phía khách hàng. Chính vì vậy, khi nhận bảo đảm bằng hàng tồn kho luân chuyển, nhiều ngân hàng thường xác định gần như cho vay không có tài sản bảo đảm (thường được gọi là tín chấp).
Tại sao lại như vậy? Đó là bởi việc yêu cầu cán bộ ngân hàng phải kiểm soát số lượng hàng hoá tồn kho luân chuyển thực tế trong kho là điều bất khả thi vì những đặc điểm: Khó quản lý kiểm kê hàng tồn kho luân chuyển, do gần như tất cả đơn vị kinh doanh của các ngân hàng ở Việt Nam đều không có kỹ thuật, phương tiện cân đo đong đếm được số lượng hàng hóa; hiếm có ngân hàng nào ở Việt Nam có được quy trình hướng dẫn và phương tiện hỗ trợ để các chi nhánh kiểm tra từng món hàng, biết chính xác số lượng, chủng loại hàng hóa tồn kho luân chuyển.
Bên cạnh đó, do sự cho phép khách hàng linh hoạt trong quản lý hàng hoá nên hàng dễ bị tẩu tán, bị thế chấp trùng hàng cho nhiều nơi. Điều này đến nay khẳng định các ngân hàng vẫn chưa tìm được giải pháp phòng tránh.
Do vậy, đòi hỏi cán bộ ngân hàng phải thực hiện kiểm kê, quản lý đúng số lượng hàng hóa tồn kho luân chuyển thế chấp là điều bất khả thi.
Chỉ có một điều khả thi hơn là cần gạt bỏ sự gán nhầm trách nhiệm cho cán bộ ngân hàng bằng cách hiểu đúng về tính chất pháp lý và thực tiễn nghiệp vụ của loại hình nhận thế chấp hàng hoá tồn kho luân chuyển.