Ảnh Internet

Ảnh Internet

Gần 50% doanh nghiệp không cắt giảm nhân sự, giữ nguyên lương dù gặp khó khăn vì dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh nghiệp mảng Du lịch/Khách sạn cắt giảm lương nhiều nhất - Doanh nghiệp ngành Tài chính - Bảo hiểm - Ngân hàng cắt giảm lương ít nhất.

Doanh nghiệp ứng phó với Covid-19 trong năm 2021

Navigos Search vừa công bố báo cáo về “Thị trường lao động trong làn sóng Covid thứ tư: Thực trạng và Hướng đi” dựa trên ý kiến của 400 doanh nghiệp và 1.200 người tìm việc tham gia khảo sát trong tháng 8/2021.

Khảo sát cho biết, khoảng 49,9% doanh nghiệp không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương, phúc lợi như trước khi đại dịch xảy ra, đồng thời, có khoảng 11,6% doanh nghiệp tiếp tục gia tăng tuyển dụng trong thời điểm này.

Bên cạnh đó, 3% doanh nghiệp đã tạm thời dừng hoạt động; 9,4% doanh nghiệp đã chọn cắt giảm nhân sự và cắt giảm lương; 7,3% đã cắt giảm nhân sự nhưng vẫn giữ nguyên lương, phúc lợi trước khi đại dịch xảy ra; và 18,9% chọn cắt giảm lương và phúc lợi nhằm giảm chi phí cho nguồn nhân lực hàng tháng cũng như thu nhỏ lại quy mô doanh nghiệp.

Mặc dù đối mặt với cơn bão Covid-19 lần thứ tư, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn cố gắng duy trì hoạt động và nguồn nhân lực của mình. Dữ liệu của khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn cam kết đảm bảo số lượng người lao động, mức lương và các chế độ phúc lợi trong đợt dịch kéo dài lần này.

Các số liệu chủ yếu đến từ nhóm doanh nghiệp ngành Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm, Công nghệ thông tin và Xuất - Nhập khẩu, với sự tham gia của 28,8% là doanh nghiệp có quy mô từ 10 - 50 nhân lực; 24,1% là doanh nghiệp có quy mô từ 101 - 300 nhân lực; 16,2% là doanh nghiệp có quy mô 51 - 100; 16,2% là doanh nghiệp có quy mô hơn 1.000 nhân lực.

Khoảng 49,9% doanh nghiệp không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương, phúc lợi như trước khi đại dịch xảy ra

Dựa trên khảo sát, mức độ tăng trưởng về tuyển dụng tại các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin trong thời gian này tại Hà Nội có tỷ lệ cao hơn TP. Hồ Chí Minh, lần lượt là 50% và 45,2%.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin có quy mô từ 101 - 300 nhân lực có sự tăng trưởng lớn nhất về tuyển dụng nhân sự. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tại Hà Nội có quy mô 10 - 50 nhân lực và 101 - 300 nhân lực còn chú trọng tăng tuyển nhân sự cho các vị trí Kinh doanh/Bán hàng.

Dữ liệu của khảo sát cũng cho thấy, khoảng 3,7% doanh nghiệp có quy mô từ 10 - 100 nhân lực đã giảm 80% lương. Đây là những doanh nghiệp thuộc ngành Nhà hàng/Khách sạn/Du lịch - Giáo dục/Đào tạo;

9,9% doanh nghiệp có quy mô từ 51 - 300 nhân lực thuộc ngành Giáo Dục/Đào tạo đã cắt giảm 50 - 75% lương;

37,9% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm 25 - 50% lương và phúc lợi. Đây là những doanh nghiệp có quy mô từ 10 - 50 nhân lực, 301 - 500 nhân lực và hơn 1.000 nhân lực. Doanh nghiệp chủ yếu đến từ ngành Bất động sản/Cho thuê ngắn hạn, dài hạn - Xây dựng/Kiến trúc - Gia công/Chế biến/Sản xuất.

29,2% doanh nghiệp thuộc ngành Nhập khẩu/Xuất khẩu - Thương mại/Bán lẻ/ Bán sỉ - Dịch vụ quảng cáo/Tiếp thị trực tuyến/Truyền thông có quy mô từ 101-300 nhân lực, 301-500 nhân lực, 501-1000 nhân lực và hơn 1.000 người, đã cắt giảm 15 - 20% lương và phúc lợi trong thời gian khó khăn;

19,3% doanh nghiệp cắt giảm ở mức thấp nhất là 5 - 10% lương và phúc lợi. Họ là những doanh nghiệp có quy mô hơn 1.000 người lao động đến từ ngành Điện tử - Điện tử viễn thông, Tài chính/ Ngân hàng/Bảo hiểm.

Cũng theo Báo cáo, trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi Covid, nhiều doanh nghiệp có xu hướng giữ chân các nhân sự có thâm niên hoặc các nhân sự đang giữ các vị trí cấp trung và cấp cao. Đối với các nhân sự là thực tập sinh và sinh viên mới ra trường, tỷ lệ cắt giảm các vị trí này là 40,5%. Đối với các nhân viên có ít kinh nghiệm, tỷ lệ này lên đến 42,3%.

Kết quả của khảo sát cho thấy, vẫn có nhiều doanh nghiệp cố gắng bảo toàn hoạt động của mỗi phòng ban để cùng nhau vượt qua cơn bão Covid-19 lần này. Tuy vậy, Hành chính - Thư ký hiện là một trong những phòng ban mà doanh nghiệp sẽ lựa chọn đầu tiên trong đợt cắt giảm, với 12,3% ý kiến của doanh nghiệp tham gia khảo sát. Tiếp theo là phòng Kinh doanh/Bán hàng chiếm 8,4% và Phòng Chăm sóc Khách hàng chiếm 4,7% ý kiến.

Các kế hoạch tuyển dụng của doanh nghiệp sau khi quay trở lại hoạt động bình thường

56,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ tuyển dụng ngay lập tức sau khi quay trở lại hoạt động bình thường. Ngoài số liệu này, khảo sát còn cho thấy, có khoảng 17,5% chưa thể ra được quyết định ngay lập tức liệu họ có thể tuyển dụng trở lại hay không. Cũng có các doanh nghiệp cần thêm thời gian từ nửa tháng đến sau 6 tháng mới có thể tiếp tục tuyển dụng trở lại. Các con số này cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn cần sự phục hồi để có thể quay trở lại thị trường lao động.

Bên cạnh đó, 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ tuyển nhân viên hoàn toàn mới. Đây là một điểm đáng chú ý cho nhà tuyển dụng và người tìm việc. Có thể nói, đây cũng là cơ hội quý giá cho các ứng viên đang đi tìm việc.

Ngoài ra, vẫn có khoảng gần 37% doanh nghiệp tham gia khảo sát ưu tiên tuyển những người đã từng làm việc ở công ty sau đó mới tuyển người mới và 16,2% doanh nghiệp sẽ tuyển những người đã từng làm việc tại công ty ngay trước khi dịch bệnh xảy ra.

Phòng Kinh doanh - Bán hàng được ưu tiên tuyển dụng đầu tiên. Số liệu của báo cáo cho thấy, 29% ý kiến của doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, Phòng Kinh doanh - Bán hàng sẽ được tuyển dụng đầu tiên. Tiếp theo là phòng Công nghệ thông tin với 21%, Phòng Marketing với 10,5%, Phòng Chăm sóc Khách hàng với 8% và phòng Tài chính kế toán với 5,4%.

Người lao động hãy thích nghi với những công cụ hỗ trợ làm việc từ xa

Đối với doanh nghiệp, VietnamWorks khuyến nghị, dù ở trong giai đoạn chống dịch hay ở hậu Covid-19, các doanh nghiệp nên duy trì vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và làm chậm sự lây lan của dịch bệnh tại nơi làm việc.

Sau cơn bão này, doanh nghiệp nên lên kế hoạch chuẩn bị, ứng phó và kiểm soát dịch bệnh dành cho người lao động. Khi đóng vai trò chủ trương, doanh nghiệp sẽ có thể tính được mức độ khả thi của các dự án hiện tại theo nhiều giải pháp khác nhau, bao gồm cách làm việc từ xa, đưa ra chính sách hỗ trợ nhân viên kịp thời, ưu tiên cho sự linh hoạt giờ giấc...

Đây cũng là lúc doanh nghiệp nên có sự linh hoạt trong quá trình làm việc, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp đang tái định hình và ở giai đoạn hồi phục ở hậu Covid-19.

Đối với trạng thái bình thường mới, linh hoạt cũng là một trong những yếu tố then chốt làm nên sự thành công cho nhiều doanh nghiệp. Có thể liệt kê một số chính sách linh hoạt bao gồm: Chế độ làm việc linh hoạt - Linh hoạt trong quá trình làm việc, giao tiếp và tiếp nhận thông tin.

Dựa vào khảo sát, doanh nghiệp sẽ cần có một chiến lược mới để phát triển nguồn nhân lực dù ở trong thời gian giãn cách hay hậu Covid-19. Sau khi nền kinh tế hồi phục, nhiều ngành sẽ bắt đầu tiến vào giai đoạn hồi phục, đây cũng là lúc doanh nghiệp săn đón nhân tài với chính sách phúc lợi và mức lương khác nhau.

Tuy nhiên, xã hội và nền kinh tế đang dần bước vào trạng thái bình thường mới, nên có lẽ người lao động cũng sẽ có những yêu cầu và nhận định mới trong quá trình tìm việc. Có thể, họ không chỉ đơn thuần tìm kiếm công việc có mức lương hay chế độ đãi ngộ hấp dẫn mà ứng viên sẽ còn cân nhắc về chế độ làm việc và mô hình vận hành của một doanh nghiệp.

"Do đó, doanh nghiệp nên tận dụng điểm này để đưa ra những chiến lược mới để thu hút nhân tài khi thị trường lao động bắt đầu khôi phục", VietnamWorks khuyến nghị.

Đối với Người lao động, VietnamWorks cho rằng, chế độ làm việc từ xa sẽ vẫn còn tiếp diễn đến khi chấm dứt được đại dịch, cuộc sống quay trở lại bình thường. Chính vì thế, người lao động hãy xem đây là chế độ làm việc chính thức và lâu dài chứ không phải là phương án ngắn hạn nhất thời của các công ty.

"Người lao động hãy thích nghi và cố gắng đảm bảo chất lượng công việc bằng những công cụ hỗ trợ làm việc từ xa hiệu quả", theo VietnamWorks.

Bên cạnh đó, thị trường việc làm và tuyển dụng trong thời gian tới được dự báo sẽ là cuộc cạnh tranh mạnh mẽ của các ứng viên trên đường đua tìm kiếm việc làm. Sau đại dịch, nhà tuyển dụng có xu hướng tìm kiếm những ứng viên trình độ cao, chuyên môn tốt để có thể thích ứng linh hoạt với những thay đổi liên tục, nhất là trong giai đoạn này.

Để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ngay từ bây giờ, hãy tích lũy cho mình những kiến thức, kỹ năng để nâng cao kinh nghiệm bản thân, tự tin đáp ứng được những yêu cầu cao của nhà tuyển dụng.

Tin bài liên quan