Chiều nay 20/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp với đa số ý kiến tán thành.
Sửa đổi Luật, "cứu" sống hàng nghìn DN FDI (ảnh minh họa).
Theo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được thành lập trước ngày 1/7/2006, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, có quyền thực hiện theo một trong hai cách sau đây:
Thứ nhất, đăng ký lại để tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Với cách này, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trước ngày 1/7/2006 đã hết thời hạn hoạt động theo quy định tại Giấy phép đầu từ sau ngày 1/7/2006, chưa thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp và có đề nghị được tiếp tục hoạt động phải đăng ký lại trước ngày 1/2/2014 theo các điều kiện do Chính phủ quy định.
Trong trường hợp này, việc đăng ký lại có hiệu lực kể từ ngày hết hạn hoạt động ghi trên Giấy phép đầu tư.
Thứ hai, không đăng ký lại. Trong trường hợp này, doanh nghiệp tổ chức quản lý, hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Điều lệ doanh nghiệp. Đối với những nội dung không quy định tại Giấy phép đầu tư, Điều lệ doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Doanh nghiệp được điều chỉnh, bổ sung ngành, nghề trong trường hợp không thay đổi thời hạn hoạt động ghi trong Giấy phép đầu tư; việc điều chỉnh, bổ sung được thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm điều chỉnh, bổ sung.
Trường hợp thay đổi thời hạn hoạt động hoặc việc điều chỉnh, bổ sung ngành, nghề làm thay đổi thời hạn hoạt động ghi trong Giấy phép đầu tư thì doanh nghiệp phải đăng ký.
Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2013.
Trước đó, theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 31/5/2013, có 2.916 doanh nghiệp trong tổng số 6.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài trước đây chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại để hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Trong số các doanh nghiệp nêu trên, có 41 doanh nghiệp sẽ hết thời hạn hoạt động từ ngày 31/5/2013; số lượng còn lại là các doanh nghiệp chưa hết thời hạn hoạt động, nhưng có khả năng bổ sung, mở rộng ngành nghề kinh doanh.
Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết: Trong các năm 2014 - 2015, số lượng doanh nghiệp hết thời hạn hoạt động sẽ tăng đáng kể (đến 31/12/2014 là 142 doanh nghiệp và đến 31/12/2015 là 269 doanh nghiệp). Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp nêu trên, tính đến 31/5/2013 là 18,5 tỷ USD với số lượng lao động sử dụng 446.000 người. Phần lớn các doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.