Nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân tại Florida ngày 20/4. Ảnh: Reuters.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, 3.249.667 ca nhiễm và 232.936 ca tử vong do nCoV được ghi nhận tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 61.748 và 5.759 ca so với hôm qua. Hơn một triệu người đã hồi phục.
Vùng dịch lớn nhất thế giới Mỹ ghi nhận 1.067.289 ca nhiễm, trong đó 62.870 người tử vong, tăng lần lượt 29.763 và 1.934 ca.
Mỹ đã thực hiện hơn 6 triệu xét nghiệm, cao nhất thế giới, nhưng giới chuyên gia cho rằng con số này vẫn chưa đủ.
Đại học Harvard công bố một nghiên cứu khuyến nghị Mỹ cần tiến hành ít nhất 5 triệu xét nghiệm nCoV/ngày vào tháng 6 để có thể sớm mở cửa trở lại kinh tế, trong khi mức xét nghiệm một ngày ở Mỹ hôm 22/4 là 314.182.
Tổng thống Trump hôm 28/4 ký sắc lệnh dựa trên Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, buộc các nhà máy thịt tiếp tục hoạt động do lo ngại về tình trạng thiếu thực phẩm và nguồn cung ứng bị gián đoạn.
Tây Ban Nha báo cáo thêm 2.740 ca nhiễm và 268 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 239.639 và 24.543, tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai trên thế giới.
Đây là ngày Tây Ban Nha ghi nhận số ca tử vong thấp nhất kể từ 20/3, khi nước này báo cáo 235 người chết. Hơn 112.000 người đã hồi phục.
Các chuyên gia y tế tin rằng Tây Ban Nha đạt đỉnh dịch hôm 2/4 khi ghi nhận 950 người chết trong 24 giờ. Kể từ đó, số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tại nước này giảm dần.
Tây Ban Nha áp lệnh phong tỏa từ giữa tháng ba. Từ ngày 2/5, người dân Tây Ban Nha sẽ được phép tập thể dục ngoài trời nếu số ca nhiễm nCoV vẫn tiếp tục giảm.
Người dân sẽ có một giờ hoạt động ngoài trời dưới sự giám sát, trong khoảng thời gian từ 9h đến 21h, trong phạm vi một km quanh nhà họ.
Một người lớn có thể đi với tối đa với ba trẻ em nhưng không được sử dụng các khu vui chơi ngoài trời và phải tuân thủ nguyên tắc cách biệt cộng đồng, cách nhau ít nhất hai mét.
Italy ghi nhận thêm 1.872 ca nhiễm và 285 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 205.463 và 27.967.
Cả hai mức tăng đều thấp hơn so với một ngày trước đó. Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết số người điều trị tích cực đã giảm từ 1.795 xuống còn 1.694. 1,3 triệu xét nghiệm đã được thực hiện tại đất nước 60 triệu dân này.
Italy áp phong tỏa toàn quốc từ 9/3, buộc người dân phải ở nhà, hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa, gây áp lực lớn cho nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro. Chính quyền Italy dự kiến nới phong tỏa từ ngày 4/5.
Anh vượt qua Pháp, trở thành vùng dịch lớn thứ tư toàn cầu với 171.253 ca nhiễm và 26.771 người tử vong, tăng 6.032 và 674 so với hôm trước.
Lệnh phong tỏa ở Anh đã kéo dài hơn một tháng. Anh dự kiến đánh giá công tác chống dịch vào ngày 7/5 và lộ trình nới các hạn chế sẽ được công bố vào tuần sau, khi nhiều người lo ngại về tác động kinh tế của các biện pháp "cách biệt cộng đồng".
Pháp xác nhận thêm 758 ca nhiễm và 289 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 167.178 và 24.376. Pháp sẽ nới phong tỏa, cho phép một số trường học mở cửa trở lại sau 11/5 song những cơ sở kinh doanh không thiết yếu như quán cà phê, nhà hàng dự kiến tiếp tục ngừng hoạt động.
Đức ghi nhận thêm 1.470 ca nhiễm nCoV và 156 ca tử vong, nâng tổng số ca lần lượt lên 163.009 và 6.623.
Nước này đang nới lỏng phong tỏa, "bật đèn xanh" cho tổ chức tôn giáo, sân chơi, bảo tàng và sở thú mở cửa trở lại nhưng phải đảm bảo "các yêu cầu về vệ sinh, kiểm soát ra vào và tránh xếp hàng dài".
Ngày 6/5, giới lãnh đạo Đức sẽ họp để ra quyết định về việc mở lại trường học, nhà hàng và giải bóng đá.
Nga báo cáo thêm 7.099 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số người nhiễm lên 106.498, trong đó 1.073 người chết.
Trung tâm xử lý Khủng hoảng nCoV của Nga cho biết đây là mức tăng ca nhiễm hàng ngày cao nhất kể từ khi Covid-19 bùng phát tại nước này, khiến Nga trở thành quốc gia thứ 8 trên thế giới ghi nhận hơn 100.000 người nhiễm nCoV.
Hơn một nửa ca nhiễm mới xuất hiện ở thủ đô Moskva và các vùng lân cận.
Tổng thống Putin hôm 28/4 thông báo kéo dài kỳ nghỉ có lương tới hết ngày 11/5 do nước này chưa qua đỉnh dịch.
Ông yêu cầu các địa phương tiếp tục duy trì nghiêm ngặt cách biệt cộng đồng, cho biết Nga có thể từng bước nới lỏng hạn chế từ ngày 12/5, tùy theo tình hình đại dịch. Điện Krelin kêu gọi người dân ở nhà trong kỳ nghỉ lễ đầu tháng 5.
Tại Mỹ Latin, Brazil ghi nhận thêm 6.019 ca nhiễm và 390 ca tử vong do nCoV, nâng ca nhiễm và ca tử vong lên lần lượt 85.380 và 5.901.
Theo Bộ Y tế Brazil, số người chết có thể cao hơn con số chính thức, trong khi các chuyên gia tin rằng ca nhiễm ở nước này có thể cao hơn 12-15 lần số liệu hiện tại do lượng lớn các trường hợp không được phát hiện vì năng lực xét nghiệm hạn chế.
Bang Rio de Janeiro, một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở nước này, tiếp tục yêu cầu người dân ở nhà cho đến 11/5.
Tổng thống Jair Bolsonaro thường xuyên thể hiện sự thiếu kiên nhẫn với lệnh hạn chế do thống đốc các bang áp đặt để làm chậm sự lây lan của Covid-19 và hối thúc lãnh đạo địa phương tái khởi động hoạt động kinh tế.
Bolsonaro cũng gây tranh cãi khi cho rằng Covid-19 chỉ như cúm thường và khiến người dân bất mãn với cách ứng phó dịch bệnh của chính quyền ông.
Mexico báo cáo 17.799 ca nhiễm và 1.732 ca tử vong, tăng lần lượt 1.047 và 163 ca. Chính phủ nước này cho biết số ca nhiễm thực tế có thể còn cao hơn nhiều so với các ca đã được xác nhận.
Mặc dù số ca nhiễm mới đang gia tăng, chính phủ đang đối mặt với những lời kêu gọi nới lỏng các hạn chế đối với ngành công nghiệp.
Hơn 300 giám đốc đieuè hành Mỹ đã viết thư cho Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador vào tuần trước để thúc giục nhanh chóng mở lại các nhà cung cấp của họ ở Mexico.
Tại Trung Đông, Arab Saudi ghi nhận 1.351 ca nhiễm mới và 5 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong cả nước lên 22.753 và 162.
Nước này đã nới lỏng lệnh giới nghiêm vào ban ngày trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, tuy nhiên, thánh địa Mecca vẫn giữ nguyên các biện pháp phong tỏa 24/7.
Tại những nơi khác, người dân được phép ra khỏi nhà từ 9h đến 17h và nối lại một số hoạt động kinh doanh tới 13/5. Trung tâm thương mại, đại lý bán buôn và các công ty xây dựng cũng được hoạt động trở lại.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo 552 ca nhiễm mới và thêm 7 trường hợp tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 12.481 ca nhiễm và 105 ca tử vong.
Iran tiếp tục là vùng dịch lớn nhất châu Á với 94.640 ca nhiễm. Nước này ghi nhận thêm 71 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ 17 liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100, nâng số người chết lên 6.028.
Chính phủ Iran đã cho phép mở lại các cửa hàng theo từng giai đoạn và dỡ bỏ hạn chế di chuyển liên tỉnh.
Tuy nhiên, các trường học, nhà thờ Hồi giáo, rạp chiếu phim, sân vận động và các địa điểm công cộng khác vẫn đóng cửa trên cả nước.
Chính quyền trong những ngày gần đây nêu khả năng mở lại nhà thờ Hồi giáo ở các khu vực ít bị ảnh hưởng, song chưa có kế hoạch cụ thể.
Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố số liệu mới.
Tại Nam Á, Ấn Độ phát hiện 1.800 ca nhiễm mới và 75 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 34.862 và 1.154. Lệnh phong tỏa toàn quốc được áp đặt ở Ấn Độ từ ngày 25/3 và sẽ kéo dài đến ngày 3/5.
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã cho phép nối lại một số hoạt động nông nghiệp và công nghiệp tại những khu vực nông thôn ít chịu ảnh hưởng của đại dịch, sau khi lệnh phong tỏa khiến hàng triệu người lâm vào cảnh thất nghiệp, thiếu lương thực và chỗ ở.
Bộ Y tế Ấn Độ đang sử dụng phương pháp truy vết tiếp xúc và giám sát cộng đồng nhằm đối phó với các ca nhiễm không triệu chứng.
Là quốc gia đông dân thứ hai thế giới, Ấn Độ được dự đoán sẽ bị dịch bệnh tàn phá nghiêm trọng nếu không có các biện pháp ứng phó mạnh tay.
Đông Nam Á ghi nhận thêm 1.215 ca nhiễm nCoV, nâng số người nhiễm toàn khu vực lên 44.454, trong đó 1.537 người đã chết. Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 16.169 người nhiễm và 15 người tử vong.
Indonesia xếp thứ hai với 10.118 ca nhiễm và 792 người chết. Philippines báo cáo 8.488 ca nhiễm và 568 ca tử vong, là vùng dịch lớn thứ ba.
Đông Timor và Lào tiếp tục là hai nước trong khu vực chịu ít ảnh hưởng nhất từ Covid-19, với lần lượt 24 và 19 ca nhiễm nCoV. Việt Nam, Campuchia, Đông Timor và Lào chưa ghi nhận ca tử vong nào.