Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Nam Thái Sơn, đồng thời là Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) cho rằng, hình ảnh cán bộ tín dụng trong con mắt doanh nghiệp hiện đã thay đổi rất nhiều so với những năm trước đây. Các nhà băng đã chủ động hơn trong việc tìm kiếm khách hàng để cung ứng vốn, chủ động đồng hành và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để tìm ra giải pháp tốt nhất.
Theo ông Việt Anh, đối với các doanh nghiệp, để tạo được niềm tin và uy tín với ngân hàng là điều không hề dễ dàng, nhưng một khi các bên đã hiểu và tìm được tiếng nói chung thì khoảng cách sẽ được rút ngắn và doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong tiếp cận vốn vay. Mặc dù vậy, sự cải thiện mới chỉ thể hiện đối với lãi suất cho vay ngắn hạn, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay trung-dài hạn như hiện nay vẫn đang là rào cản đối với các doanh nghiệp cần vốn. Bởi theo phân tích của Chủ tịch Nam Thái Sơn, để có thể triển khai và phát triển được các dự án mới, doanh nghiệp thường cần nguồn vốn dài hạn hơn là ngắn hạn, vì vậy, phía ngân hàng cần xem xét lại chính sách lãi suất trung-dài hạn này.
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch HUBA cũng nhìn nhận, việc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM cùng với chính quyền Thành phố đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm khơi thông dòng chảy vốn trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm nay, cũng như trong thời gian qua là hết sức tích cực. Bởi theo ông Minh, trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh, các doanh nghiệp không thể thiếu sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng. Thông qua các hoạt động kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, không chỉ bên cần vốn là doanh nghiệp được tạo điều kiện, mà ngay cả nhà cung ứng vốn là ngân hàng cũng được hưởng lợi, khi dư nợ tín dụng cải thiện.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo các doanh nghiệp, để tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại, mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại, đặc biệt là lãi suất trung-dài hạn, cần được điều chỉnh giảm thêm.
Trên thực tế, lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay có giảm, nhưng không nhiều. Trong đó, riêng với nhóm khách hàng có “sức khỏe” tốt, các ngân hàng phải cạnh tranh khốc liệt. Chẳng hạn, mới đây, tại gói tín dụng “siêu” ưu đãi, HDBank đồng loạt giảm lãi suất đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp trên cả nước. Theo đó, với các khách hàng cá nhân vay mới, HDBank giảm lãi suất lãi suất cho vay tối đa từ 11,5%/năm (lãi suất hiện hành) xuống 10,5%/năm. Đối với doanh nghiệp, HDBank tung gói tín dụng hạn mức 18.000 tỷ đồng, lãi suất ngắn hạn chỉ từ 6,5%/năm, còn lãi suất trung-dài hạn từ 9,69%/năm, cố định trong năm đầu tiên.
Ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc HDBank cho hay, HDBank sẽ là ngân hàng nhận ủy thác từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp thuộc nhóm này cải tiến công nghệ, máy móc thiết bị, tăng khả năng cạnh tranh. Lãi suất ưu đãi 7%/năm cố định suốt thời gian vay. Ngoài ra, VIB cũng ưu đãi lãi suất cho vay từ 6,99%/năm cho khách hàng cá nhân đối với các khoản vay có thời hạn trên 12 tháng.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, một số ngân hàng thậm chí còn áp mức lãi suất cho vay thấp hơn cả lãi suất huy động đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có dự án tốt. Ngược lại, các ngân hàng cũng “ngại” không dám đẩy mạnh cho vay đối với nhóm khách hàng chưa chứng minh được uy tín trong vay nợ, khi vừa phải đảm bảo cạnh tranh trong cho vay, vừa phải kiểm soát chặt rủi ro để hạn chế nợ xấu.
Được biết, trong quý III vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM đã tổ chức cuộc họp giữa DongA Bank với lãnh đạo các quận 5, quận 6 và quận Tân Bình về việc triển khai chương trình kết nối, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại các địa bàn này thông qua các giải pháp tín dụng của DongA Bank. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc DongA Bank cho hay, Ngân hàng đã dành gói tín dụng ưu đãi 1.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn 3 quận, với chủ trương sẽ đồng hành lâu dài.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM, không chỉ DongA Bank, trong quý IV này, cơ quan này cũng sẽ phối hợp Sở Công thương Thành phố và các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh kết nối để khơi thông dòng vốn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM đã ban hành văn bản về việc tăng cường triển khai kết nối trên địa bàn các quận, huyện tổ chức thực hiện chương trình trong các tháng còn lại của năm 2016.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM cho thấy, tính đến tháng 9/2016, tổng số tiền cho vay doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh theo chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đạt 178.117 tỷ đồng, với 19.156 khách hàng được vay vốn.
Ngoài ra, để hỗ trợ vốn dịp cuối năm, các ngân hàng còn triển khai chương trình cho vay bình ổn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong mảng lương thực – thực phẩm thiết yếu…, lãi suất cho vay ngắn hạn dao động từ 4,15- 6,5%/năm tùy từng mặt hàng.
Trong thời gian tới, các ngân hàng còn đăng ký cho vay bình ổn trong chuỗi cung ứng, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đổi mới công nghệ và phương thức hoạt động sản xuất, kinh doanh sau khi gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, an toàn với sức khoẻ, giá cả cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài, tiết kiệm chi phí vận chuyển, cũng như tạo sự liên kết với các vùng nguyên liệu giá rẻ, kết nối cung cầu giữa các tỉnh thành.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM, ông Tô Duy Lâm cho hay, trọng tâm hoạt động trong các tháng cuối năm là tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện chương trình năm 2016 đã đề ra, bởi trong đó bao gồm cả những giải pháp nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng trên địa bàn. Tuy nhiên, theo ông Lâm, để thực hiện có hiệu quả và tiếp tục phát huy vài trò, ý nghĩa của chương trình, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các sở, ban ngành, quận, huyện và các hiệp hội ngành nghề.