Kể từ năm 2021, thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không cần vốn pháp định. Ảnh: ST

Kể từ năm 2021, thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không cần vốn pháp định. Ảnh: ST

Gần 2.000 doanh nghiệp mới chào sân kinh doanh bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo tình hình doanh nghiệp của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kinh doanh bất động sản đứng đầu về số doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2021.

Cụ thể, kinh doanh bất động sản có thêm 1.733 doanh nghiệp, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự sôi động của thị trường bất động sản và việc nới lòng thủ tục thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực này có thể là lý do.

Theo Luật Đầu tư năm 2020, từ ngày 1/1/2021, để kinh doanh bất động sản, cá nhân, tổ chức chỉ phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Đặc biệt, Luật Đầu tư đã bỏ điều kiện về vốn pháp định trong lĩnh vực này, vốn được quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.

Đứng tiếp sau là ngành sản xuất, phân phối điện, nước, gas với 397 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 16,4%.

Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đứng thứ ba trong danh sách các ngành kinh doanh có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh, với 214 doanh nghiệp, tăng 12%.

Đứng về số lượng tuyệt đối thì vận tải kho bãi cũng có tới 1.366 doanh nghiệp đang ký mới, dù mức tăng chỉ là 6% so với cùng kỳ 2020.

Tính chung, quý I/2021 có 29.300 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý là 14.738 doanh nghiệp, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Ở chiều ngược lại, các ngành chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục có xu hướng giảm về số doanh nghiệp thành lập mới.

Cụ thể, dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 18%; Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác giảm 13,5%; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 4,1%.

Tuy nhiên, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng có tên trong Top 5 ngành nghề có doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh cao nhất trong quý I/2021, với 694 doanh nghiệp tạm ngừng, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngành đứng đầu danh sách có doanh nghiệp tạm ngừng nhiều nhất là sản xuất phân phối, điện, nước, gas (226 doanh nghiệp, tăng 121,6%); Giáo dục và đào tạo (512 doanh nghiệp, tăng 67,9%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (1.392 doanh nghiệp, tăng 48,7%).

Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.470 doanh nghiệp, tăng 41,8%).

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động ngắn, chủ yếu là các doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 0-5 năm với 12.589 doanh nghiệp (chiếm 52,8%); 6.071 doanh nghiệp hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 25,5%) và5.177 doanh nghiệp hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 21,7%).

Trong quý I/2021 là 40.323 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 23.837 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm 59,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong quý I năm 2021.

Chủ yếu lý do tạm dừng là ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Tin bài liên quan