Gần 18.000 tỷ đồng nâng đời Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Gần 18.000 tỷ đồng sẽ được huy động để đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang) nhằm phục vụ Hội nghị APEC 2027 và hoạt động khai thác trong vòng 5 - 10 năm tới.

Đầu tư lớn đón APEC 2027

Cho đến thời điểm này, phương án đầu tư tổng thể Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc để kịp thời đưa vào khai thác phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2027 đã dần lộ diện nếu chiểu theo những thông tin mới nhất từ Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Trong Công văn số 799/CHK - KHĐT gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vào giữa tuần trước, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không cho biết, đã hoàn tất việc xây dựng hồ sơ Quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Hồ sơ Quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã trình Bộ GTVT xem xét phê duyệt vào giữa tháng 2/2025”, ông Uông Việt Dũng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Trên thực tế, ngay từ bước lập hồ sơ Quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát và xác định 10 hạng mục công trình với tổng chi phí khoảng 8.650 tỷ đồng cần đầu tư để kịp thời đưa vào khai thác phục vụ APEC 2027.

Trong số này có 3 hạng mục thiết yếu, có quy mô lớn là xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các đường lăn, nhà khách VIP và mở rộng sân đỗ tàu bay đã chiếm tới hơn 90% chi phí đầu tư cần hoàn thành trước quý I/2027.

Tại Công văn số 799, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục đề xuất chia 10 hạng mục công trình đầu tư phục vụ APEC thành 3 dự án thành phần gồm: Dự án thành phần 1 - Các công trình thiết yếu bao gồm đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà khách VIP tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc có tổng mức đầu tư dự kiến 7.650 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 - Công trình bảo đảm hoạt động bay có tổng mức đầu tư 74 tỷ đồng và Dự án thành phần 3 - Trụ sở làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với Dự án thành phần 2, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất sẽ do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp này.

Dự án thành phần 3 dự kiến thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng do các chủ đầu tư bố trí (nguồn vốn đầu tư công của các bộ, cơ quan quản lý nhà nước có trụ sở làm việc tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc).

Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, những hạng mục thuộc Dự án thành phần 1 đều là những công trình thiết yếu, bao gồm đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà khách VIP… tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc cần triển khai nhanh để kịp thời phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2027, đáp ứng nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao cho ngành hàng không.

“Nhằm đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ trong quá trình triển khai đầu tư, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị giao ACV là chủ đầu tư Dự án thành phần 1, với các hạng mục công trình thiết yếu gồm đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà khách VIP… tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc”, Công văn số 799 của Cục Hàng không Việt Nam nêu rõ.

Được biết, sân bay Phú Quốc hiện là cảng hàng không quốc tế dùng chung dân dụng và quân sự, cấp 4E, bao gồm 1 nhà ga hành khách có diện tích 36.167 m2, công suất 4 triệu lượt hành khách/năm; 1 đường cất hạ cánh, kích thước 3.000 m x 45 m, đáp ứng khai thác tàu bay Boeing 747 hoặc các loại máy bay tương đương.

Bên cạnh đó, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc còn có 1 sân đỗ máy bay kích thước 769 x 154 m, đáp ứng khai thác 14 vị trí gồm 5 code E (Boeing 747 tương đương); 7 code C (Airbus 320/321 hoặc tương đương); 2 code C (tương đương ATR72); 1 nhà ga hàng hóa có diện tích 2.292 m2, công suất 14.500 tấn/năm.

Tiến độ gấp

Theo ACV, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc hiện chưa có nhà khách VIP. Từ kinh nghiệm tổ chức APEC Hà Nội năm 2006 và APEC Đà Nẵng năm 2017, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc cần sớm đầu tư xây dựng nhà khách VIP có diện tích khoảng 3.000 m2, bao gồm cả hệ thống giao thông nội bộ, sân vườn và các công trình đồng bộ.

Do Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc hiện chỉ có 14 vị trí đỗ tàu bay, nên cần mở rộng thêm 16 vị trí nữa mới có thể đáp ứng nhu cầu đỗ qua đêm của các tàu bay chuyên cơ và tàu bay của các doanh nhân, nhà đầu tư tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2027.

Lo ngại lớn nhất của ACV là đường cất hạ cánh số 1 hiện hữu tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc có kết cấu mặt đường bê tông nhựa đã khai thác hơn 10 năm (hết tuổi thọ thiết kế). Cùng với việc khai thác bổ sung các dòng máy bay mới như B787-8, A350 -900 đã làm suy giảm tuổi thọ của mặt đường bê tông nhựa so với tính toán ban đầu, gây ra các hư hỏng trên đường cất hạ cánh.

Để đảm bảo an toàn, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc thường xuyên được ACV và đơn vị khai thác trực tiếp thực hiện công tác duy tu, sửa chữa mặt bê tông nhựa đường cất hạ cánh số 1 (đến nay đã thực hiện 7 đợt).

“Tuy nhiên, việc sửa chữa mặt đường chỉ là giải pháp tạm thời. Để đáp ứng nhu cầu khai thác và phục vụ Hội nghị APEC 2027, cần sớm xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và cải tạo, nâng cấp, kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu”, ông Trần Anh Vũ, Phó tổng giám đốc ACV cho biết.

Bên cạnh đó, tổng sản lượng hành khách mà Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đã phục vụ trong năm 2024 là 4,143 triệu lượt, trong đó quốc nội là 2,3 triệu lượt hành khách và quốc tế là 1,843 triệu lượt hành khách; tổng số lần cất hạ cánh lên tới 24.639 lần; cao điểm có tới 4 tàu bay code E và 6 tàu bay code C cùng đậu tại khu vực sân đỗ.

Với diện tích 3.600 m2, nếu tính toán, bố trí hợp lý các khu vực khai thác, nhà ga T1 hiện hữu có thể đáp ứng khai thác đến 5,5 triệu lượt hành khách/năm (3,75 triệu lượt khách quốc nội và 1,75 triệu lượt khách quốc tế), đáp ứng nhu cầu khai thác đến năm 2027, bao gồm cả lượng hành khách tăng cao do tổ chức Hội nghị APEC.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đến năm 2030, nếu không có sự đầu tư lớn, đặc biệt là xây dựng sớm nhà ga hành khách T2, công suất 6 triệu lượt hành khách/năm tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và an toàn bay.

Theo tính toán, nếu được giao làm chủ đầu tư Dự án thành phần 1 và thực hiện ngay việc đầu tư nhà ga hành khách T2, tổng nguồn vốn đầu tư mà ACV cần phải huy động để nâng đời Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là khoảng 17.540 tỷ đồng. Tín hiệu tích cực là hiện ACV đã cân đối và thu xếp đủ vốn để thực hiện các hạng mục đầu tư nói trên trong giai đoạn 2025 - 2026.

Do thời gian chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2027 không còn nhiều, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT sớm xem xét, phê duyệt hồ sơ Quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các bước tiếp theo.

Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không cũng đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao ACV đầu tư đường cất hạ cánh, đường lăn bằng nguồn vốn đầu tư của ACV nhằm đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ trong quá trình triển khai đầu tư.

“ACV cần khẩn trương lập kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc theo quy định tại Điều 47, Nghị định 05/2021/NĐ-CP về thời hạn lập quy hoạch cảng hàng không, sân bay. Trường hợp chưa lập được tổng thể phương án đầu tư, có thể lập kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc trong giai đoạn trước mắt để đảm bảo cơ sở đầu tư các công trình cần thiết phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2027; hoàn thành và trình Bộ GTVT sau 7 ngày kể từ ngày Quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được phê duyệt”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đề xuất.

Tin bài liên quan