Theo Bộ Tài chính, đến tháng 10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 20/20 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước thuộc thẩm quyền. Các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Đề án tái cơ cấu của 79 Tổng công ty nhà nước do Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm đại diện chủ sở hữu.
Tình hình thoái vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, tài chính – ngân hàng, bất động sản) của các Công ty mẹ - Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước năm 2014 khá chậm, chỉ đạt hơn 4.200 tỷ đồng. Trong đó, giá trị thoái vốn là 4.184 tỷ đồng, giá trị thu được 4.292 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài Chính, số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm cần phải thoái tiếp từ nay đến cuối năm 2015 là gần 16.200 tỷ đồng (do một số đơn vị điều chỉnh lại Đề án tái cơ cấu nên số phải thoái giảm 1.731 tỷ đồng). Trong đó, lĩnh vực chứng khoán là 233 tỷ đồng, lĩnh vực tài chính - ngân hàng là 9.113 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm là 553 tỷ đồng, lĩnh vực bất động sản là 6.079 tỷ đồng, quỹ đầu tư là 215 tỷ đồng.
Một số Công ty mẹ có giá trị thoái vốn đầu tư trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng (tính theo giá trị sổ sách) tương đối lớn trong năm 2014 như: Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thoái được 588 tỷ đồng, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam VN thoái 381 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiêp Cao su Việt Nam (VRG) thoái 381 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) thoái 780 tỷ đồng, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) thoái 315 tỷ đồng; Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) thoái 263 tỷ đồng...
Cũng theo Bộ Tài chính, giá trị đầu tư tăng thêm vào 5 lĩnh vực nhạy cảm này hơn là 1.400 tỷ đồng. Giá trị đầu tư tăng thêm này không phải bỏ tiền mua để đầu tư thêm mà do doanh nghiệp được nhận thêm cổ phiếu từ việc chia cổ tức, tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu công ty cổ phần có vốn đầu tư của Công ty mẹ.
Như vậy, tổng số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm còn phải thoái theo Đề án tái cơ cấu Doanh nghiệp nhà nước đã được phê duyệt tính đến 31/12/2014 là 22.363 tỷ đồng.
Năm 2015, lũy kế đến tháng 10/2015, các đơn vị đã thoái được hơn 4.400 tỷ đồng, thu được hơn 4.100 tỷ đồng. Lĩnh vực bất động sản thoái vốn nhiều nhất với 2.930 tỷ đồng, lĩnh vực tài chính ngân hàng thoái vốn hơn 1.200 tỷ đồng, Quỹ đầu tư cũng đạt hơm 170 tỷ đồng, chỉ còn riêng lĩnh vực chứng khoán mới chỉ đạt 41 tỷ đồng.
Như vậy, tính từ thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết số 21/2011/QH13 ngày 26/11/2011, tổng giá trị đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm mà các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước cần phải thoái là 23.325 tỷ đồng. Lũy kế số thoái vốn vào 5 lĩnh vực nhạy cảm từ năm 2012 đến tháng 10/2015 đã thoái được 9.866 tỷ đồng (bằng 42% số cần phải thoái cuối năm 2011), thu được 9.496 tỷ đồng, đầu tư thêm 4.538 tỷ đồng (do chia cổ tức bằng cổ phiếu)
Theo Bộ Tài Chính, số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm cần phải thoái tiếp từ nay đến cuối năm 2015 là gần 16.200 tỷ đồng (do một số đơn vị điều chỉnh lại Đề án tái cơ cấu nên số phải thoái giảm 1.731 tỷ đồng). Trong đó, lĩnh vực chứng khoán là 233 tỷ đồng, lĩnh vực tài chính - ngân hàng là 9.113 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm là 553 tỷ đồng, lĩnh vực bất động sản là 6.079 tỷ đồng, quỹ đầu tư là 215 tỷ đồng.