Gần 14 tỷ USD nhập hóa chất từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan...

0:00 / 0:00
0:00
Tính đến hết quý III/2022, nhập khẩu nhóm hàng hóa chất về Việt Nam đạt 13,98 tỷ USD, tăng mạnh 22,9% tương ứng tăng 2,61 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng mạnh trong 9 tháng 2022, đạt xấp xỉ 14 tỷ USD.

Nhập khẩu hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng mạnh trong 9 tháng 2022, đạt xấp xỉ 14 tỷ USD.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nhóm hàng hóa chất và sản phẩm hóa chất trong tháng 9 đạt 1,28 tỷ USD, giảm 14% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính đến hết quý III/2022, nhập khẩu nhóm hàng này đạt 13,98 tỷ USD, tăng mạnh 22,9% tương ứng tăng 2,61 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

So với tổng kim ngạch nhập khẩu của cả năm ngoái khoảng 15,4 tỷ USD, nhập khẩu hóa chất và sản phẩm hóa chất 9 tháng qua đã gần bằng cả năm ngoái.

Đà tăng của nhập khẩu nhóm hàng hóa chất đã tăng trong cả năm ngoái, với mức nhập khẩu tăng thêm gần 4,7 tỷ USD so với 2020.

Việt Nam chủ yếu nhập khẩu hóa chất và sản phẩm từ hóa chất của các thị trường: Trung Quốc đạt 5,4 tỷ USD, tăng 43% tương ứng tăng 1,63 tỷ USD; Đài Loan (Trung Quốc) đạt 1,36 tỷ USD, tăng 12,7% tương ứng tăng 153 triệu USD; Hàn Quốc đạt 1,32 tỷ USD, giảm 2,94% tương ứng giảm 40 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung nhập khẩu từ ba thị trường này đã chiếm gần 60% nhập khẩu hóa chất và sản phẩm hóa chất của cả nước trong 9 tháng/2022.

Hoá chất được ghi nhận nằm trong nhóm các mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu có mức kim ngạch tăng rất mạnh từ đầu năm 2022 đến nay nhằm phục vụ nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực.

Việc phải nhập khẩu nguyên liệu hóa chất và sản phẩm hóa chất với mức giá cao cũng gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp, làm tăng giá thành ở một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực, dẫn đến giảm sức cạnh tranh của hàng Việt.

Ước tính, mỗi năm các ngành xuất khẩu lớn tại Việt Nam đã chi cả tỷ USD để nhập khẩu hóa chất và sản phẩm hóa chất. Nhiều ngành sản xuất rất cần sử dụng hóa chất như: Giày dép, mũ, dệt may, xơ sợi dệt, công nghiệp sơn phủ và mực in, giấy, cao su, nhựa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất máy móc, phụ tùng, sản phẩm từ gỗ, sản phẩm từ sắt thép…

Báo cáo của Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cho hay, về hoá chất cơ bản, Việt Nam chủ yếu mới sản xuất được một số sản phẩm hóa chất cơ bản vô cơ thông dụng như H2SO4, HCl, H3PO4, xút… Đối với hóa chất cơ bản hữu cơ trong nước hầu như chưa sản xuất được.

Về hoá dầu, hiện nay Việt Nam mới chỉ sản xuất được nhựa PVC, PP, phụ gia hoá dẻo DOP, xơ sợi tổng hợp từ các nguyên liệu trung gian nhập khẩu.

Trong những năm gần đây, ngành hóa dầu được quan tâm đầu tư mạnh mẽ với nhiều dự án lớn như Nghi Sơn, Long Sơn, Hyosung… Tuy nhiên, ước tính khi các dự án này đưa vào khai thác, hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn/năm các sản phẩm hóa dầu.

Tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 726/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 với quan điểm phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp hóa chất.

Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 là nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước bình quân các sản phẩm hóa dầu lên 40%, hoạt chất bảo vệ thực vật lên 30%, hóa chất cơ bản lên 70%, cao su kỹ thuật lên 40%, ắc quy lên 75%…

Chiến lược nêu rõ, công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển theo hướng là một ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại với cơ cấu ngành tương đối hoàn chỉnh gồm 10 phân ngành: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa dược, hóa dầu, hóa chất cơ bản (gồm cả tiền chất thuốc nổ và vật liệu nổ công nghiệp), các sản phẩm cao su, điện hóa, chất tẩy rửa, sơn - mực in, khí công nghiệp. Trong đó tập trung vào chiến lược phát triển một số phân ngành trọng điểm: hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su kỹ thuật, hóa dược và phân bón.

Tin bài liên quan