Game do HanelSoft, một công ty thành viên thuộc Hanel kết hợp sản xuất với công ty Nhật Bản Hiropro, ra mắt từ tháng 6/2016. Trò chơi hiện có hơn 7.000 lượt tải về trên cả iOS và Android bao gồm cả bản tiếng Anh và tiếng Việt. Trong đó hơn 75% là người dùng nước ngoài.
Nội dung chính của game là việc sang đường, một thách thức không nhỏ đối với du khách nước ngoài khi tới Việt Nam. Người chơi đóng vai một khách du lịch, trong khoảng thời gian quy định phải băng ngang qua đường tránh các xe cộ đi lại. Mục tiêu là đi được quãng đường dài nhất có thể.
Cô gái trong hình là Enomoto Kaori, tác giả ý tưởng của Vietnamese Road.
Trong game xuất hiện những phương tiện giao thông quen thuộc của người Việt như xe Super Cup, gánh hàng rong, xe chở lợn, xe bán bóng bay... Mỗi loại có một phong cách di chuyển tương ứng như phóng nhanh, lấn chiếm không gian, lạng lách hoặc đi vô cùng chậm, khiến cho việc qua đường của nhân vật chính không hề dễ dàng.
Ý tưởng sáng tạo ra trò chơi đến từ Enomoto Kaori (1986), một cô gái Nhật đang sống và làm việc tại Hà Nội. Enomoto là nhà thiết kế game của Hanelsoft và cũng góp mặt trong đội phát triển của sản phẩm.
Sang Việt Nam từ tháng 7/2015, cô gái Nhật Bản cho biết đã yêu mến đất nước và nền văn hóa tại nơi đây. Nhận thấy chưa có nhiều sản phẩm game có nội dung quảng bá văn hóa Việt, cô đã quyết định "làm một điều gì đó" và Vietnamese Road ra đời.
Enomoto cho biết nội dung game không mang hàm ý chê bai mà muốn thể hiện sự quan tâm tới văn hóa giao thông, không muốn thấy những cảnh nguy hiểm mà mọi người phải đối mặt khi sang đường. Tất cả thành phố được sử dụng làm bối cảnh trong game (Hà Nội, Huế, Phú Quốc, Sài Gòn) đều là những nơi mà cô gái Nhật này đã từng đặt chân tới.
Nữ thiết kế game còn đang ấp ủ một dự án game di động khác có nội dung về ẩm thực Việt Nam, dự kiến sẽ ra mắt vào đầu năm 2017.
Giao diện trò chơi Vietnamese Road.
FbStart là chương trình nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trên nền tảng di động, bằng cách cung cấp các công cụ, dịch vụ miễn phí, quyền lợi cũng như các chương trình đào tạo. Đây là năm thứ ba Facebook khởi động chương trình này tại Việt Nam. Hiện có khoảng 200 công ty trong nước đang tham gia, đứng thứ hai về số lượng và chiếm khoảng 40% thành viên của chương trình này tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Phần lớn trong số này là các ứng dụng hỗ trợ cộng đồng. Mới đây, Rada - ứng dụng tìm kiếm dịch vụ theo địa điểm cũng đã nhận được gói hỗ trợ tương tự từ FbStart.