Ngay từ cuối năm 2008, tình trạng DN găm giữ ngoại tệ dưới dạng tiền gửi đã có dấu hiệu tăng nhanh.

Ngay từ cuối năm 2008, tình trạng DN găm giữ ngoại tệ dưới dạng tiền gửi đã có dấu hiệu tăng nhanh.

Găm giữ!

(ĐTCK) Con số 2,5 tỷ USD huy động của một NHTM nhà nước tính đến cuối tuần trước thể hiện nhiều điều. Nếu so với số dư huy động bình quân trong năm 2008 chỉ là 1,5 tỷ USD, nó thể hiện một tốc độ tăng đáng kinh ngạc. Còn nếu phân tích kỹ hơn, một vị lãnh đạo ngân hàng này cho biết, chỉ riêng tiền gửi ngoại tệ của một DN quốc doanh đã là 700 triệu USD, con số cao nhất của một khách hàng gửi ngoại tệ trong nhiều năm qua.

Luẩn quẩn…

Câu chuyện tại ngân hàng trên không phải là trường hợp duy nhất. Lượng tiền gửi ngoại tệ của cả hệ thống ngân hàng đã tăng 3,6% trong ba tháng đầu năm, trong khi cho vay bằng ngoại tệ lại giảm 2,24%.

Ngay từ cuối năm 2008, tình trạng DN găm giữ ngoại tệ dưới dạng tiền gửi đã có dấu hiệu tăng nhanh. Đơn giản là những biến động về tỷ giá trong năm 2008 đã tạo nên tâm lý kỳ vọng tỷ giá sẽ còn tăng.

Thay vì bán lại USD cho ngân hàng, việc DN găm giữ ngoại tệ đã khiến hệ thống ngân hàng trở nên thiếu nguồn USD để bán cho DN nhập khẩu.

Việc thiếu USD này là giả tạo và thể hiện sự méo mó của thị trường ngoại hối ,bởi trên thực tế, nếu xét trên cán cân cung cầu thì không hề thiếu. Cán cân thanh toán quốc gia trong nhiều năm qua khá cân bằng, thậm chí có những thời điểm dư thừa khá mạnh, giúp NHNN mua vào tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.

Găm giữ tạo nên sự méo mó của thị trường, hơn nữa, một vòng tròn luẩn quẩn được tạo ra rất khó phá.

Do kỳ vọng tỷ giá tăng nên DN găm giữ, găm giữ thì ngân hàng không mua được USD để bán dẫn đến thiếu cung, cung không đủ sẽ gây sức ép tỷ giá tăng, tỷ giá đáng ra không tăng thì lại phải tăng vì cung cầu mất cân đối, khi tỷ giá tăng thì tâm lý găm giữ càng lớn. Vòng tròn cứ vậy tiếp diễn.

Để tránh tâm lý găm giữ có ba cách: cung một lượng ngoại tệ đủ lớn ra thị trường để hạ nhiệt tỷ giá và triệt tiêu kỳ vọng tăng tỷ giá; buộc DN bán ra; hoặc cho phép tỷ giá tăng cao hơn khuyến khích DN bán ra.

chỉ có một lối ra?

Cách thứ nhất là NHNN phải móc hầu bao chính là quỹ dự trữ của mình, cách thứ ba là chấp nhận tỷ giá tăng thì hậu quả mang tới là khó dự báo. Còn cách thứ hai thì…? 

Vấn đề thừa và thiếu ngoại tệ trên thị trường không phải là mới. Năm 1998, sau khi xảy ra khủng hoảng kinh tế trong khu vực, vấn đề thiếu ngoại tệ trên thị trường cũng đã xảy ra. Bối cảnh kinh tế hiện nay đã khác rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn đó tâm lý găm giữ ngoại tệ của DN.

Khi đó, NHNN áp dụng biện pháp kết hối, quy định các DN có nguồn thu ngoại tệ phải bán lại một lượng ngoại tệ cho ngân hàng theo một tỷ lệ nhất định của lượng ngoại tệ thu về. Biện pháp này, dù còn nhiều ý kiến khác nhau, đã tạm coi là thành công.

Tỷ lệ kết hối tới 80% của năm 1998 đã được giảm dần khi nền kinh tế đi vào ổn định và từ tháng 4/2003, tỷ lệ này được giảm xuống mức 0% cho tới nay.

Theo ghi nhận từ một số ngân hàng thương mại lớn, dường như hiện nay NHNN đang nghiêng về phương án buộc các DN bán ra ngoại tệ này. Các ngân hàng cũng đang không có cách “ép” khách hàng bán ngoại tệ ra thì việc này tất nhiên được các ngân hàng ủng hộ. 

Một số ngân hàng thậm chí đã bắt đầu tính toán xem trong trường hợp tái áp dụng quy định kết hối, giả sử là 30% thì họ sẽ mua thêm được bao nhiêu ngoại tệ. 

Kết hối là một biện pháp hành chính. Nhưng trong từng giai đoạn, biện pháp này cũng có những tác dụng tốt. Vấn đề cũ trên thị trường ngoại hối đang tái hiện, tái áp dụng biện pháp 10 năm trước là điều sẽ phải cân nhắc. Cân nhắc thì phải cân nhắc rồi, nhưng biện pháp khả dĩ hơn thì rất khó tìm trong thời điểm hiện nay.