Theo dự thảo nghị định xử phạt trong các lĩnh vực dầu khí, xăng dầu, khí hóa lỏng Thủ tướng mới ban hành, mức phạt đối với hành vi trong mua bán xăng dầu cao nhất có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.
Mức phạt đối với việc gian lận trong đo lường xăng dầu cao nhất là 40 triệu đồng. Mức phạt này được áp dụng cho các hành vi như tự ý tháo niêm phong, kẹp chì, dấu hoặc tem kiểm định trên phương tiện đo lường, sửa chữa, thay thế, lắp thêm thiết bị của phương tiện đo, dùng phương tiện đo không có chứng nhận, kiểm định theo quy định, gian lận khi đong bán xăng dầu.
Riêng việc sử dụng giấy chứng nhận, dấu kiểm định hết hạn, bị tầy xóa hoặc giả mạo bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng. Ngoài bị phạt tiền, các hành vi vi phạm nói trên còn khiến đại lý xăng dầu bị tịch thu giấy chứng nhận hoặc tước quyền kinh doanh từ 1 đến 6 tháng, tùy mức độ vi phạm.
Dự thảo Nghị định mới của Chính phủ về xử phạt vi phạm trong các lĩnh vực dầu khí, xăng dầu, khí hóa lỏng quy định rõ ràng và chi tiết mức phạt đối với các hành vi gian lận trong kinhd doanh xăng dầu.
Trong khi đó, vi phạm chất lượng xăng dầu có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Riêng với doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đưa nhiên liệu này vào lưu thông khi chưa được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, doanh nghiệp kinh doanh thay đổi chất lượng, gian lận trong quá trình mua bán sẽ bị phạt từ 40 đến 50 triệu đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung đối với các hành vi gian lận chất lượng là tước giấy phép, thời hạn tối đa lên đến một năm, đình chỉ lưu thông hoặc thu hồi, tiêu hủy mẫu xăng dầu vi phạm.
Với các vi phạm về niêm yết giá bán lẻ xăng dầu, dự thảo Nghị định cũng nói rõ, mức phạt thấp nhất sẽ 10 triệu đồng, cao nhất lên tới 30 triệu đồng. Các hành vi được liệt kê gồm có không niêm yết giá, niêm yết không đúng quy định, không rõ ràng, tự ý điều chỉnh giá bán lẻ.
Riêng với hành vi không gửi quyết định và phương án tăng, giảm giá bán lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các đơn vị phân phối trước thời điểm tăng/giảm, mức phạt tối đa có thể lên tới 120 triệu đồng, tối thiểu là 100 triệu đồng.
Những doanh nghiệp đầu mối không chấp hành quy định về mức điều chỉnh, thời gian tối thiếu (hoặc tối đa) giữa 2 lần tăng/giảm giá bán lẻ xăng dầu có thể bị phạt 180-200 triệu đồng. Hình phạt bổ sung cho hành vi này là tước quyền giấy phép kinh doanh từ 6 tháng đến 2 năm.
Những vi phạm khác trong sản xuất và kinh doanh xăng dầu cũng được quy định chi tiết hơn trong văn bản này. Ngoài ra, dự thảo Nghị định được ban hành để lấy ý kiến cũng nêu chi tiết về mức phạt đối với các hành vi khác trong kinh doanh, sang chiết gas. Theo đó, mức phạt cao nhất với việc sang chiết gas trái phép lên tới 100 triệu đồng.
Trong năm 2012, xăng dầu là một trong những lĩnh vực nóng, với các vấn đề chủ yếu như chất lượng, việc "tăng nhanh giảm chậm" so với thế giới, nghi án doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu găm hàng, găm giá...
Trong cuộc họp trực tuyến của Bộ Công thương diễn ra hôm 11/1 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo, thị trường xăng dầu cần kiên trì theo dõi diễn biến nhưng phải minh bạch trong bối cảnh doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này nhiều mà Petrolimex chiếm thị phần chủ yếu.