Theo công bố mới đây của Tổng công ty về việc tìm nhà đầu tư chiến lược khi IDICO cổ phần hóa, nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết không chuyển nhượng số cổ phần đã mua trong thời gian tối thiểu 10 năm.
Trong trường hợp đặc biệt, nếu muốn chuyển nhượng phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua với ít nhất 65% cổ phần có quyền biểu quyết quyết định.
Nhà đầu tư chiến lược phải có tổng tài sản tối thiểu 2.500 tỷ đồng, hoặc 115 triệu USD đối với nhà đầu tư nước ngoài vào thời điểm kết thúc niên độ tài chính 2016. Vốn chủ sở hữu hợp pháp tối thiểu 1.500 tỷ đồng, hoặc 68 triệu USD đối với nhà đầu tư nước ngoài vào niên độ tài chính 2016.
Lợi nhuận tối thiểu bằng 5% doanh thu trong 3 năm gần nhất trước thời điểm đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược. Tình hình tài chính tại thời điểm nộp hồ sơ không có nợ quá hạn và lỗ lũy kế, không nợ xấu, doanh nghiệp không vi phạm pháp luật.
Nhà đầu tư phải đặt cọc ngay 20% giá trị cổ phần khi đăng ký mua theo giá khởi điểm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của IDICO sau cổ phần hóa trong thời gian ít nhất 10 năm kể từ thời điểm cổ phần hóa. Tiếp tục sử dụng người lao động tối thiểu 5 năm.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, IDICO có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Công ty sẽ bán 135 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 45% vốn điều lệ; còn hơn 55,3 triệu cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 18,44% vốn điều lệ. Đây là doanh nghiệp được đánh giá có nhiều tiềm năng nhất trong số các tổng công ty mà Bộ Xây dựng đang triển khai cổ phần hóa.