Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung theo lộ trình: tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây dựng không nung từ đầu năm 2013, các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây dựng không nung cùng thời điểm và đến 2020 phải sử dụng 100%.
Nghĩa là theo lộ trình này thì đến năm 2020, những lò gạch nung sẽ bị xóa sổ.
Việc tạo điều kiện phát triển gạch không nung cũng được quyết liệt triển khai bằng hành động thực tiễn. Theo đó, nhiều tỉnh, thành phố như Bình Dương, Vĩnh Long, Điện Biên… đã và đang kiên quyết xử lý các loại lò gạch thủ công. Bên cạnh đó, thị trường xây dựng đang khởi sắc trên cả 2 lĩnh vực công và tư nhân, nên cơ hội tiêu thụ gạch không nung là tương đối khả quan.
Theo tính toán, đến năm 2020, Việt Nam có nhu cầu sử dụng khoảng 42 tỷ viên gạch cho xây dựng. Với những yếu tố nền tảng đó, cơ hội và điều kiện tốt nhất cho gạch không nung đã chín muồi, nhưng trên thực tế, loại vật liệu xây dựng với nhiều tính năng thân thiện với môi trường này vẫn đang được nhìn với nhiều ánh mắt khá dè dặt.
Số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, trong năm 2015, tỷ lệ tiêu thụ gạch không nung chỉ chiếm 20% lượng gạch tiêu thụ, 80% còn lại vẫn thuộc về gạch nung truyền thống. Có nhiều nguyên nhân được giới chuyên môn đưa ra như: người tiêu dùng chưa quen, phải thay đổi thiết kế công trình, DN chưa mặn mà…
Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật để đưa gạch không nung vào công trình còn nhiều bất cập. Chẳng hạn như sự cố nứt tường tại 6 công trình sử dụng ngân sách ở Bến Tre năm 2014 khiến Sở Xây dựng tỉnh này đề nghị “dừng” đưa gạch không nung vào công trình. Một số công trình tại Hà Nội và Vĩnh Phúc khi sử dụng gạch không nung thì vào mùa hè nhà “đổ mồ hôi”…
Là nhà thầu số 1 trên thị trường xây dựng, “vào” được công trình do CotecCons thi công là mong muốn của bất kỳ nhà sản xuất gạch không nung nào tại phía Nam.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản về việc đưa gạch không nung vào công trình, ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CotecCons chia sẻ: “Sử dụng vật liệu thân thiện môi trường là tiêu chí hàng đầu của đơn vị. Nhưng thân thiện cũng phải đi cùng tiện ích và hiệu quả. Một số loại gạch không nung đưa vào xây thí nghiệm bị nứt nên cũng chỉ có 1 - 2 loại được dùng, chủ yếu là cho các vách ngăn. Không phải nhà sản xuất tìm kiếm mình, mà chính mình đang phải tìm kiếm loại gạch phù hợp”.
Chia sẻ của ông Dương và nhiều chủ đầu tư, nhà thầu khác cho thấy, khó khăn khi vào thị trường là do bản thân nhiều loại gạch không nung hiện tại chưa đáp ứng được các tiêu chí thông dụng như gạch đỏ truyền thống.
Tuy nhiên, khẳng định quyết tâm của cơ quan chức năng, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: “Với gạch không nung, Chính phủ đã cho lộ trình phù hợp để chuyển đổi. Bộ Xây dựng theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường và đã có quyết sách giải quyết hợp lý từ lò gạch thủ công, lò Hoffman cho đến tỷ lệ gạch không nung trong các công trình. Từ khi Chính phủ ra quyết định cho đến lúc bắt buộc thực hiện cũng đã có 3 năm để các chủ đầu tư thử nghiệm, lựa chọn. Không có lý do để kéo dài thêm thời gian nữa”.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cũng kiên quyết: “Đối với những công trình không đảm bảo tỷ lệ gạch không nung trên địa bàn Thành phố, Sở sẽ không phê duyệt thiết kế”.
Tuy nhiên, bên cạnh việc cần có cơ chế giám sát các chủ đầu tư, các nhà thầu về tỷ lệ sử dụng gạch không nung theo quy định thì việc sớm có một tiêu chuẩn chất lượng gạch không nung phù hợp với các công trình tại Việt Nam là rất cần thiết để loại gạch này đi vào các công trình.
Trên thị trường hiện nay, gạch không nung bao gồm các loại: gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt khí và gạch xi măng cốt liệu. Theo đánh giá chung thì cơ hội lớn vẫn dành cho gạch xi măng cốt liệu vì tính năng gần giống với gạch đỏ. Tuy nhiên, gạch xi măng cốt liệu sản xuất theo phương pháp thủ công hoặc máy móc thô sơ lại có những nhược điểm như viên gạch quá nặng, khó khăn trong quá trình xây cất.
Ông Trần Trung Nghĩa, Tổng giám đốc CTCP Chế tạo máy Trung Hậu cho biết: “Công ty đã nghiên cứu được loại máy sản xuất gạch từ các nguồn nguyên liệu như tro xỉ than, đá tạp, xi măng, cát… viên gạch nhẹ hơn gạch đỏ truyền thống, dễ xây dựng và giá thành giảm được 20 - 30% so với gạch đỏ truyền thống. Hiện Công ty đã lắp đặt thiết bị sản xuất và chuyển giao công nghệ cho nhà máy tại Bình Thuận, Hà Nam…”.
Với lợi thế suất đầu tư thấp, nguồn nguyên liệu dồi dào thì cơ hội cho loại hình sản xuất này rất khả quan. Hiện cả nước có 18 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, sử dụng 50 triệu tấn than mỗi năm cũng thải ra cả triệu tấn tro xỉ. Chỉ cần một nhà máy nhiệt điện than công suất 600 MW cũng đủ lượng tro xỉ sản xuất 1 tỷ viên gạch không nung mỗi năm.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com