Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết: “Năm 2015 Bộ Xây dựng sẽ quyết liệt vào cuộc đối với việc sử dụng gạch không nung ở các địa phương. Từ khi có thông tư hướng dẫn đến nay đã 2 năm để các địa phương làm quen khi sử dụng loại vật liệu này. Nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ. Nhìn chung, trong năm 2014 sản lượng tiêu thụ gạch không nung đã tăng lên đáng kể, trong đó gạch xi măng cốt liệu tăng khoảng 25%”.
Tuy nhiên, nhiều tỉnh thành đang lo ngại về quy định tỷ lệ sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng. Đơn cử, quy định như sau năm 2015 các công trình từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn phải sử dụng tối thiểu 50% gạch không nung, được các địa phương cho rằng rất khó có thể thực hiện bằng biện pháp hành chính.
Không chỉ có lo ngại từ cấp quản lý địa phương, chưa quen với sử dụng gạch không nung là ý kiến của hầu hết các nhà thầu và chủ đầu tư. Ông Bùi Trang Thuận, Phó giám đốc Sở Xây dựng Bến Tre cho biết: “Trong 5 công trình dùng gạch không nung tại địa phương, có đến 4 công trình bị sự cố nứt tường. Loại gạch được dùng là gạch bê tông bọt”. Quan ngại trước sự cố trong các công trình, UBND tỉnh Bến Tre đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng xin “dừng” sử dụng gạch không nung.
Về vấn đề này, trao đổi với Đầu tư Bất động sản, một quan chức Bộ Xây dựng khẳng định: “Bộ Xây dựng không thể chấp nhận việc xin dừng sử dụng gạch không nung, bởi đây là một chủ trương lớn của Chính phủ. Thêm vào đó, khi dùng loại gạch này có sự cố thì phải kiểm tra xem lỗi ở đâu. Nếu loại gạch này không phù hợp thì dùng loại gạch khác”.
Tuy nhiên, trong khi các tỉnh thành khác đang lúng túng trong việc đưa gạch không nung vào các công trình xây dựng thì TP. HCM đã chủ động hướng dẫn và có cơ chế tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư sử dụng loại vật liệu này. Bên cạnh đó, TP. HCM đã tổ chức hội thảo liên kết vùng phía Nam để cùng nhau đưa gạch không nung vào sử dụng. Ngay với sự cố nứt tường tại Bến Tre, khi tỉnh này còn đang tìm nguyên nhân thì tại Hội nghị liên kết phát triển vật liệu xây dựng theo hướng bền vững được TP. HCM và Bình Phước tổ chức đã có kết luận về sự cố này.
Theo tham luận của các đơn vị tại hội thảo liên kết vùng, thì sự cố nứt tường hoàn toàn do lỗi kỹ thuật trong quá trình thi công. Hơn nữa, trong 5 công trình sử dụng cùng một loại vật liệu, vẫn có một công trình không bị nứt thì lỗi không phải do gạch.
Hiện TP. HCM đang tích cực thực hiện liên kết vùng để đưa gạch không nung vào công trình theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề phải giải quyết, vì dù sao gạch không nung vẫn còn khá mới mẻ đối với người sử dụng.
Về các sản phẩm cụ thể của loại vật liệu xây dựng này, trong khi gạch xi măng cốt liệu và gạch bê tông khí chưng áp (AAC) đang có bước tiếp cận thị trường tương đối khả quan thì gạch bê tông bọt vẫn còn nhiều gian nan. Sự cố nứt tường tại Bến Tre đã giáng một đòn chí mạng vào tương lai tiêu thụ sản phẩm, cho dù lỗi không thuộc về nhà sản xuất. Và như vậy, ngay trong các sản phẩm gạch không nung đã phải cạnh tranh lẫn nhau.
“Bức tranh tiêu thụ gạch AAC đã có phần sáng lên khi Nhà máy V-block đã chạy hết khoảng 80% công suất, tiêu thụ trong nước cũng tăng rõ rệt, đặc biệt là tiêu thụ trong dân. Tuy nhiên, để có thể sử dụng với khối lượng như gạch đỏ chắc còn phải đợi một thời gian dài nữa”, ông Phạm Hữu Quang Viên, Giám đốc CTCP Phân phối Vương Hải cho biết.
Ngay tại TP. HCM, nhiều công trình, dự án bất động sản vẫn đang sử dụng 100% gạch đỏ, chỉ có những công trình thực hiện tiêu chí công trình xanh mới dùng gạch không nung, một số công trình khác dùng theo kiểu “thí nghiệm”.
Tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản cho thấy, đa phần chủ đầu tư vẫn “ngại” dùng gạch không nung bởi phải thay đổi ngay từ khâu thiết kế, chưa kể đến việc thi công chưa quen, dẫn đến tăng chi phí dự toán công trình. Dù vậy, họ vẫn “ngại” khi có chế tài bắt buộc thì Sở Xây dựng sẽ là “ải” khó qua nếu thiết kế không được phê duyệt khi không sử dụng vật liệu này.
Tại Hà Nội, một số công trình đã “tập dượt” cho việc sử dụng gạch không nung như một bước chuẩn bị. Ông Nguyễn Tử Quang, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Nhà Hà Nội (HANDICO) cho biết: “HANDICO đã có những tính toán cụ thể trong việc sử dụng gạch không nung trong các công trình. Về cơ bản, chi phí công trình đã giảm được một phần. HANDICO sẽ nghiêm túc thực hiện chủ trương thay thế gạch đỏ bằng gạch không nung. Việc thay thế vật liệu xây dựng sẽ được lên kế hoạch ngay từ lúc thiết kế, lập dự toán công trình”.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46 |