G20 xem xét xóa một phần nợ cho các nước nghèo ứng phó COVID-19

0:00 / 0:00
0:00

Theo kế hoạch, tiền nợ gốc và lãi mới sẽ được miễn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của các nước đi vay. Các chủ nợ tư nhân có thể được kêu gọi tham gia vào chương trình này.

G20 xem xét xóa một phần nợ cho các nước nghèo ứng phó COVID-19

Ngày 2/11, hãng tin Kyodo dẫn một số nguồn thạo tin cho biết bộ trưởng tài chính Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ nhất trí xóa một phần nợ cho các nước nghèo nhằm giúp các nước này thực hiện các biện pháp đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 đang hướng tới việc đạt được thỏa thuận khi họ tiến hành hội nghị trực tuyến vào ngày 13/11 tới.

Theo kế hoạch, tiền nợ gốc và lãi mới sẽ được miễn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của các nước đi vay. Các chủ nợ tư nhân có thể được kêu gọi tham gia vào chương trình này.

Tuy nhiên, các nguồn tin cũng cho biết vẫn chưa chắc chắn liệu Trung Quốc - chủ nợ lớn nhất của các nước đang phát triển - có cam kết đầy đủ với chương trình khẩn cấp này hay không.

Hội nghị trực tuyến này sẽ diễn ra trước Hội nghị Thượng đỉnh G20, dự kiến được tổ chức vào ngày 21 và 22/11 cũng theo hình thức trực tuyến.

Trước đó, ngày 14/10, các quan chức tài chính và ngân hàng G20 đã nhất trí gia hạn thêm 6 tháng đối với Sáng kiến Hoãn thanh toán nợ (DSSI) cho các nước nghèo nhất trong năm nay và sẽ xem xét lại vấn đề này vào tháng 4/2021.

Tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị trực tuyến của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm soát đại dịch COVID-19, đồng thời cam kết "làm mọi thứ" để hỗ trợ sự ổn định tài chính và kinh tế toàn cầu.

Họ cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc củng cố năng lực về thuế nhằm xây dựng hệ thống thu thuế bền vững.

Các bộ trưởng cũng nhất trí sẽ tổ chức cuộc họp bất thường trước hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới để thảo luận về các vấn đề nổi cộm.

Việc hàng loạt doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và các nước đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan từ tháng Ba vừa qua đã tàn phá các nền kinh tế trên toàn thế giới.

Giữa tháng Tư vừa qua, G20 và Câu lạc bộ Paris đã nhất trí về DSSI cho các nước nghèo nhất trong năm 2020.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết việc giảm nợ cho các nước nghèo vẫn ít ỏi vì "không phải tất cả các chủ nợ đều tham gia đầy đủ," theo đó chỉ 43 quốc gia trong tổng số 73 quốc gia được hưởng khoảng 5 tỷ USD từ DSSI để hỗ trợ các khoản an sinh xã hội, y tế và kinh tế nhằm ứng phó với đại dịch, trong khi mức dự kiến là từ 8 tỷ đến 11 tỷ USD.

Tin bài liên quan