G20 ủng hộ giảm thời gian phát triển vaccine trong trường hợp khẩn cấp

0:00 / 0:00
0:00
Thông thường, việc phát triển vaccine có thể mất tới 10 năm nhưng COVID-19 với những tác động khôn lường trong thời gian ngắn đã khiến công tác nghiên cứu, thử nghiệm, kiểm duyệt phải được đẩy nhanh.
Công nhân làm việc trong dây chuyền sản xuất vaccine tại cơ sở của Tập đoàn y tế Australia CSL ở Melbourne. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Công nhân làm việc trong dây chuyền sản xuất vaccine tại cơ sở của Tập đoàn y tế Australia CSL ở Melbourne. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cam kết ủng hộ cắt giảm khoảng thời gian cần thiết để phát triển vaccine, thuốc điều trị và xét nghiệm mới trong đại dịch, từ 300 ngày xuống còn 100 ngày.

Thông thường, việc phát triển vaccine có thể mất tới hơn 10 năm nhưng đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng với những tác động khôn lường trong thời gian ngắn đã khiến công tác nghiên cứu, thử nghiệm và các quy trình kiểm duyệt cũng phải được đẩy nhanh. Kết quả là thế giới đã tìm ra những loại vaccine phòng bệnh trong chưa đầy một năm.

Trong dự thảo Tuyên bố chung được chuẩn bị để thông qua vào cuối tuần này tại Hội nghị thượng đỉnh ở Rome (Italy), mà các lãnh đạo G20 khẳng định sẽ ủng hộ (dựa trên cơ sở khoa học) việc rút ngắn thời gian phát triển vaccine, các phương pháp điều trị, chẩn đoán an toàn và hiệu quả từ 300 ngày xuống còn 100 ngày trong các trường hợp y tế khẩn cấp do đại dịch.

Nội dung dự thảo có thể sẽ thay đổi vào phút cuối nhưng các quan chức cho biết cam kết này nhiều khả năng sẽ không thay đổi.

Một trong những biện pháp tối quan trọng giúp giảm thời gian cần thiết để phát triển vaccine và thuốc điều trị là rút ngắn thời gian thử nghiệm, thiết lập cơ sở đăng ký tình nguyện viên rộng rãi và mời các cơ quan quản lý tham gia sâu sát hơn vào quá trình thử nghiệm.

Ví dụ, Liên minh châu Âu (EU) đã tìm cách củng cố các mạng lưới thử nghiệm lâm sàng vaccine và các phương pháp điều trị để kết nối những bên chịu trách nhiệm thiết kế và triển khai các thử nghiệm.

Khuyến khích chia sẻ dữ liệu cũng để đẩy nhanh công tác nghiên cứu. Các công nghệ mới, như RNA, cũng đã chỉ ra là có thể giúp việc phát triển vaccine mới nhanh hơn.

Bên cạnh đó, dự thảo tuyên bố chung cũng có đoạn nêu rõ G20 cũng sẽ ủng hộ mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là đến giữa năm 2022, khoảng 70% dân số đủ điều kiện tại mỗi quốc gia trên thế giới sẽ được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Điều này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách lớn đang tồn tại giữa các nước về tỷ lệ tiêm chủng.

Trong khi nhiều nước giàu có đã đạt mục tiêu tiêm cho 70% dân số thì có những nước nghèo còn chưa tiêm được cho 5% dân số.

Các nhà lãnh đạo G20 cũng hoan nghênh các nỗ lực đa phương nhằm hỗ trợ và tăng cường công tác chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, trong đó có việc xem xét khả năng thiết lập một công cụ hoặc một thỏa thuận quốc tế - ví dụ như một hiệp ước quốc tế về đại dịch.

Tin bài liên quan