Hội nghị thượng đỉnh G20 trực tuyến do Ả Rập Xê Út chủ trì ở Brussels vào ngày 21/11/2020. Nguồn: AFP

Hội nghị thượng đỉnh G20 trực tuyến do Ả Rập Xê Út chủ trì ở Brussels vào ngày 21/11/2020. Nguồn: AFP

G20 tìm cách giúp đỡ các quốc gia nghèo nhất trong thế giới hậu Covid-19

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất (G20) hôm thứ Bảy (21/11) đã tuyên bố đảm bảo phân phối công bằng vắc xin, thuốc và xét nghiệm Covid-19 trên khắp thế giới và làm những gì cần thiết để hỗ trợ các nước nghèo hơn đang vật lộn để phục hồi sau đại dịch.

"Chúng tôi sẽ nỗ lực để đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và hợp lý cho tất cả mọi người, phù hợp với cam kết của các thành viên trong việc khuyến khích đổi mới. Chúng tôi công nhận vai trò của tiêm chủng mở rộng như một lợi ích công cộng toàn cầu”, các nhà lãnh đạo G20 cho biết trong dự thảo thông cáo chung.

Đại dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái sâu trong năm nay và những nỗ lực cần thiết để củng cố sự phục hồi kinh tế vào năm 2021 là yếu tố hàng đầu của chương trình nghị sự.

“Chúng ta phải làm việc để tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận công bằng và hợp lý với những công cụ này”, Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman bin Abdulaziz cho biết trong bài phát biểu khai mạc. Các nhà lãnh đạo G20 lo ngại rằng, đại dịch có thể làm sâu sắc thêm sự chia rẽ toàn cầu giữa người giàu và người nghèo.

“Chúng ta cần phải tránh bằng mọi giá viễn cảnh về một thế giới hai tốc độ, nơi chỉ những người giàu hơn mới có thể tự bảo vệ mình chống lại virus và khởi động lại cuộc sống bình thường”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh.

Để làm được điều đó, Liên minh châu Âu đã kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 nhanh chóng đầu tư nhiều tiền hơn vào một dự án toàn cầu về vắc xin, xét nghiệm và điều trị được gọi là Access to Covid-19 Tools ACT-Accelerator (công cụ tiếp cận Covid-19) và sáng kiến COVAX để phân phối vắc xin.

“Tại Hội nghị thượng đỉnh G20, tôi đã kêu gọi đầu tư 4,5 tỷ USD vào ACT Accelerator vào cuối năm 2020 để mua sắm và cung cấp các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vắc xin Covid-19 ở khắp mọi nơi”, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết trên Twitter.

“Chúng ta cần thể hiện sự đoàn kết toàn cầu”, bà nói.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với G20 rằng, Đức đã đóng góp hơn 500 triệu euro (592,65 triệu USD) cho nỗ lực này, đồng thời kêu gọi các nước khác làm phần việc của mình.

“Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước khác trong việc nghiên cứu và phát triển, sản xuất và phân phối vắc xin”, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20.

“Chúng tôi sẽ cung cấp sự giúp đỡ và hỗ trợ cho các nước đang phát triển khác, đồng thời làm việc chăm chỉ để biến vắc xin trở thành hàng hóa công cộng mà công dân của tất cả các quốc gia có thể sử dụng và có khả năng chi trả”, ông Tập nói.

Để chuẩn bị cho những đợt bùng phát trong tương lai, EU đang đề xuất một hiệp ước về đại dịch. “Một hiệp ước quốc tế sẽ giúp chúng tôi phản ứng nhanh hơn và theo cách phối hợp hơn”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói với G20.

“Trong khi nền kinh tế toàn cầu đang hồi phục sau cuộc khủng hoảng, động lực đang chậm lại ở các nước có tỷ lệ lây nhiễm gia tăng và đại dịch có khả năng để lại những vết sẹo sâu”, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết trong một báo cáo cho hội nghị thượng đỉnh.

Để giải quyết vấn đề này, G20 sẽ thông qua kế hoạch gia hạn việc đóng băng các khoản thanh toán dịch vụ nợ của các nước nghèo nhất đến giữa năm 2021 và tán thành một cách tiếp cận chung để giải quyết các vấn đề nợ sau đó.

Ngoài ra, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cảnh báo G20 rằng việc không cung cấp các khoản giảm nợ lâu dài hơn cho một số quốc gia hiện nay có thể dẫn đến gia tăng nghèo đói và lặp lại các vụ vỡ nợ gây rối loạn những năm 1980.

Sáng kiến ​​xóa nợ của G20 đã giúp 46 quốc gia trì hoãn 5,7 tỷ USD thanh toán dịch vụ nợ. Sự tham gia của khu vực tư nhân được coi là rất quan trọng để đảm bảo việc sử dụng sáng kiến ​​rộng rãi hơn. Xóa nợ cho châu Phi sẽ là một chủ đề quan trọng trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Ý vào năm 2021.

Tin bài liên quan