G20 ra lời hứa 2.000 tỷ USD

G20 ra lời hứa 2.000 tỷ USD

(ĐTCK) Các bộ trưởng tài chính từ 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) đã đồng ý trong ngày hôm qua (23/2) về việc triển khai các chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng trưởng thêm 2.000 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.

Bộ trưởng Tài chính Australia, chủ nhà của Hội nghị G20 tại Sydney, cho biết, cam kết của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương như nói trên là “chưa có tiền lệ”.

Nền kinh tế thế giới vẫn chệch choạc kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008 và suy thoái toàn cầu sau đó. Quá trình phục hồi tăng trưởng về mức trước khủng hoảng đã bị cản trở bởi các chính sách khắc khổ của châu Âu, tình trạng thất nghiệp cao ở Mỹ và suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc.

Điểm trọng yếu trong cam kết 2.000 tỷ USD là thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của G20 lên thêm 2% so với mức kỳ vọng trong vòng 5 năm tới, tạo ra hàng chục triệu việc làm. GDP toàn cầu năm 2012 là khoảng 72.000 tỷ USD.

G20 gồm các nước công nghiệp phát triển và đang phát triển lớn trên thế giới, đóng góp khoảng 85% vào GDP toàn cầu.

Thông báo phát ra từ cuộc họp thượng đỉnh Sydney nói rằng, các dấu hiệu cải thiện của nền kinh tế toàn cầu là khả quan, nhưng tăng trưởng vẫn thấp hơn tỷ lệ cần thiết để đưa mọi người trở lại làm việc và để đáp ứng nguyện vọng của họ.

G20 cho biết, nhóm sẽ “gia tăng đáng kể tăng trưởng kinh tế toàn cầu” mà không cần sử dụng ngân sách các quốc gia. Theo đó, G20 sẽ chỉ sử dụng các biện pháp phi tài chính để kích thích cạnh tranh và thúc đẩy đầu tư, việc làm và thương mại.

Bước đi đầu tiên để đạt được mục tiêu 2.000 tỷ USD là mỗi nước sẽ đưa ra một chiến lược tăng trưởng toàn diện để thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11 tới, tại thành phố Brisbane, Australia.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,7% trong năm nay. Quỹ này nhân định, kế hoạch của G20 có thể nâng tăng trưởng kinh tế thế giới mỗi năm thêm 0,5 điểm phần trăm trong 5 năm tới.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew nói rằng, thỏa thuận này là quan trọng và quyết định đối với một “chương mới” của sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

“Các thành viên G20 đã nói rất rõ rằng: thúc đẩy tăng trưởng và kích thích nhu cầu là các nhiệm vụ hàng đầu của kinh tế toàn cầu”, ông Lew nhấn mạnh trong một thông cáo.

Ông Hockey, Bộ trưởng Tài chính Australia, cho biết, đã có những thảo luận chuyên sâu về các thách thức mà mỗi nước phải đối mặt trong quá trình thúc đẩy đầu tư, đặc biệt là đầu tư kết cấu hạ tầng. Nhiều ý kiến cho rằng, các chính phủ có thể kích thích đầu tư tư nhân thông qua các chính sách và quy định có thể dự đoán trước.

Về chính sách tiền tệ, các thành viên G20 thừa nhận, vẫn cần phải nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng ở nhiều nước công nghiệp, nhưng sẽ đưa về trạng thái bình thường nếu triển vọng lạm phát và GDP cho phép.

Các ngân hàng trung ương châu Âu, Mỹ và Nhật Bản đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng chưa từng có trong một nỗ lực trợ giúp phục hồi kinh tế.

Quyết định của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) gần đây về việc thu hẹp chính sách tiền tệ nới lỏng đã gây rung lắc cho các thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là các chứng khoán đã tăng giá trong những năm qua nhờ vào lãi suất thấp kỷ lục và tiền được tạo ra từ hoạt động mua trái phiếu này.

Hội nghị G20 đã không đưa ra được cam kết cụ thể nào về việc giúp đỡ các nước đang phát triển kiểm soát sự bất ổn trên các thị trường tài chính của họ, liên quan đến động thái của Fed. Hội nghị chỉ nói các quốc gia nên trao đổi thông tin và phối hợp hành động để kiểm soát các ảnh hưởng lẫn nhau.

G20 gồm Argentina, Australia, Brazil, Anh Quốc, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Nga, Ả-rập Xê-út, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỹ, Mỹ và Liên minh châu Âu.

Tin bài liên quan