G20 đang bị chia rẽ vì than đá trước thềm hội nghị thượng đỉnh

G20 đang bị chia rẽ vì than đá trước thềm hội nghị thượng đỉnh

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Nhóm 20 quốc gia giàu có đang chia rẽ trong việc loại bỏ dần than đá và cam kết hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C khi họ chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh quan trọng ở Rome vào tuần tới.

Nhu cầu hạn chế khí thải sẽ được đề cao trong chương trình nghị sự của cuộc họp G20 tại Rome vào ngày 30-31/10, được coi là bước đệm quan trọng ngay trước thềm các cuộc đàm phán về khí hậu lớn hơn của Liên hợp quốc, được gọi là COP 26, sẽ được tổ chức tại Glasgow, Scotland.

Các nguồn tin cho biết, cho đến nay, các nước gây ô nhiễm lớn như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn chưa có nhiều động thái để cải thiện tình hình kể từ khi các bộ trưởng năng lượng và môi trường G20 gặp nhau tại Naples vào tháng 7.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, sự không khoan nhượng như vậy là bình thường trong giai đoạn này và bất kỳ nhượng bộ nào khó có thể xảy ra trước khi các nhóm khí hậu G20 gặp mặt trực tiếp vào thứ Năm và thứ Sáu tới.

Tại Naples, các bộ trưởng năng lượng và môi trường đã công nhận mong muốn hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C nhưng không có cam kết rõ ràng để đạt được mục tiêu.

Họ cũng không đạt được thỏa thuận nhất trí về việc ấn định ngày chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, ngừng tài trợ quốc tế cho các dự án than và loại bỏ hoàn toàn điện than, yêu cầu các nhà lãnh đạo thu hẹp khoảng cách tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Rome.

Lãnh đạo cấp cao "ở nhà"

Ít nhất 4 nhà lãnh đạo G20 dự kiến ​​sẽ không đến Rome, trong đó có ông Tập Cận Bình của Trung Quốc, người đứng đầu quốc gia thải khí nhà kính lớn nhất thế giới và ông Vladimir Putin của Nga.

Cả Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đều không cam kết đạt được việc giảm mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, được coi là một mục tiêu quan trọng trong việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ.

Cho đến nay, Trung Quốc tỏ ra lưỡng lự nhất trong việc cam kết mức trần 1,5 độ, trong khi Ấn Độ tỏ ra cứng rắn nhất trong việc không cam kết mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trung Quốc và Ấn Độ cũng nằm trong nhóm các quốc gia chưa trình bày các kế hoạch mới, được gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) trước COP 26, về kế hoạch giúp hạn chế biến đổi khí hậu.

Chủ tịch COP26, Alok Sharma của Anh, cho biết trong một bài phát biểu trong tháng này rằng, các quốc gia phát triển lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga có xu hướng cảm thấy bị áp lực và bị các nước phương Tây lấn át tại G20, khiến họ trở nên phòng thủ và miễn cưỡng nhượng bộ.

Rome G20 cũng sẽ tập trung vào đại dịch coronavirus và cách thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu, Thủ tướng Ý Mario Draghi, người sẽ chủ trì cuộc họp cho biết.

Tin bài liên quan