Kết quả này gây bất ngờ cho khối phân tích của các CTCK bởi hầu hết đều dự báo FTSE sẽ thêm mới cổ phiếu HHS và không CTCK nào dự đoán trúng trường hợp của BHS. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, FTSE đã tính sai dữ liệu, như trường hợp của BID trong kỳ review trước.
Điều kiện vào rổ FTSE Vietnam Index
Theo quy định của FTSE, dữ liệu được dùng để xem xét cơ cấu lại danh mục là thứ Sáu cuối cùng của tháng 2, 5, 8 và 11, tức là trong kỳ review lần này, dữ liệu được chốt vào ngày 27/11. Các cổ phiếu được xem xét là các cổ phiếu niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM. Tỷ trọng mỗi cổ phiếu trong rổ FTSE Vietnam Index sẽ không vượt quá 15% tổng danh mục.
Để được thêm mới vào rổ, các cổ phiếu sẽ phải thỏa mãn điều kiện về vốn hóa, thanh khoản, tỷ lệ lưu hành tự do (free float) và tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài. Chỉ số FTSE Vietnam Index sẽ dựa trên các thành phần của rổ FTSE Vietnam Allshare Index.
Về vốn hóa, một cổ phiếu sẽ được thêm mới vào rổ FTSE Vietnam Index nếu vốn hóa thị trường có thể đầu tư lớn hơn 1% vốn hóa thị trường của rổ trước kỳ review. Ngược lại, một cổ phiếu đã nằm trong rổ sẽ bị loại nếu vốn hóa thị trường có thể đầu tư thấp hơn 0,5% vốn hóa thị trường của toàn rổ.
Ở kỳ review trước, FTSE thêm mới 3 cổ phiếu là BID, TTF và PDR. Tuy nhiên, do bị nhầm dữ liệu mã BID nên sau đó FTSE và Market Vector đều thông báo không thêm cổ phiếu BID vào danh mục quý III/2015.
Về room ngoại, trước đây FTSE quy định cổ phiếu mới muốn được thêm vào rổ thì phải thỏa mãn điều kiện room ngoại còn 5% trở lên và cổ phiếu đã có trong rổ có room ngoại không dưới 2%. Nhưng nay, FTSE chỉ quy định ngưỡng 2% đối với cổ phiếu được thêm mới và cổ phiếu bị loại khỏi rổ nếu room ngoại bằng hoặc dưới 2%. Các cổ phiếu này sẽ được xem xét thêm lại vào rổ trong các kỳ tiếp theo nếu room ngoại tăng lên trên 10%.
Về thanh khoản, cổ phiếu được thêm mới phải thỏa mãn điều kiện có giá trị giao dịch bình quân hàng ngày đạt tối thiểu 40% giá trị giao dịch bình quân hàng ngày trong 3 tháng của rổ FTSE Vietnam Index. Cổ phiếu có sẵn trong rổ sẽ bị loại nếu tỷ lệ này xuống dưới 20%. Cổ phiếu nào bị loại ra khỏi rổ vì thanh khoản kém sẽ phải đủ điều kiện trong 2 quý tiếp theo mới được thêm mới vào sau đó.
Về tỷ lệ free float, cổ phiếu có sẵn trong rổ phải có tỷ lệ free float lớn hơn 5%; trường hợp nhỏ hơn hoặc bằng 15% sẽ bị loại ra khỏi rổ nếu vốn hóa thị trường thấp hơn 25.000 tỷ đồng và đứng ngoài Top 10 về vốn hóa thị trường tại thời điểm xem xét.
Cổ phiếu muốn được thêm mới phải có tỷ lệ free float lớn hơn 5%, trường hợp nhỏ hơn hoặc bằng 15% có thể được thêm vào nếu vốn hóa thị trường lớn hơn 45.000 tỷ đồng, hoặc đứng trong Top 5 vốn hóa và thỏa mãn các yêu cầu khác.
BHS, NT2, SBT được thêm mới, còn HHS lỡ hẹn lần hai
Trong bảng thống kê dữ liệu của FTSE, quỹ này lấy dữ liệu giá cổ phiếu ngày 23/11, chứ không phải ngày 27/11 như theo quy định. Chiếu theo điều kiện về vốn hóa, 1% vốn hóa thị trường có thể đầu tư (đã điều chỉnh tỷ trọng của từng cổ phiếu) của rổ FTSE Vietnam Index tính tại ngày 27/11 là 907,3 tỷ đồng. Vốn hóa thị trường có thể đầu tư của NT2 là 1.308 tỷ đồng và của SBT là 1.662 tỷ đồng, đủ điều kiện.
Tỷ trọng có thể đầu tư của các cổ phiếu khi xem xét vào rổ FTSE
Tuy nhiên, trường hợp của BHS lại xảy ra tranh cãi. Tại thời điểm 27/11, số cổ phiếu lưu hành của BHS là 62,99 triệu cổ phiếu, vốn hóa thị trường có thể đầu tư của BHS là 568,8 tỷ đồng, không đủ điều kiện vốn hóa của FTSE. Tuy nhiên, ngày 3/12, BHS đã niêm yết số cổ phiếu bổ sung để hoán đổi cổ phiếu NHS sau khi nhận sáp nhập Đường Ninh Hòa, lúc này số cổ phiếu lưu hành của BHS tăng lên 123,34 triệu cổ phiếu và FTSE đã sử dụng số cổ phiếu lưu hành này để tính vốn hóa cho BHS.
Trường hợp của HHS, giá cổ phiếu ngày 27/11 là 16.000 đồng/CP, số lượng cổ phiếu lưu hành là 233 triệu đơn vị, FTSE đã tính tỷ trọng có thể đầu tư (weighting) của HHS ở mức 48%. Do đó, vốn hóa thị trường có thể đầu tư của HHS tại thời điểm chốt dữ liệu là 1.790 tỷ đồng, đủ điều kiện của FTSE. Có thể FTSE đã tính sai vốn hoá của HHS do ngày 12/11, HHS niêm yết 122 triệu cổ phiếu bổ sung, nâng số lượng cổ phiếu lưu hành lên 233 triệu đơn vị.
Ngoài ra, tỷ lệ weighting của SSI theo FTSE vẫn chỉ ở mức 49%, do đó nhiều khả năng FTSE sẽ không tăng tỷ trọng mã SSI như dự đoán của các CTCK.
Ở kỳ review trước, FTSE thêm mới 3 cổ phiếu là BID, TTF và PDR. Tuy nhiên, do bị nhầm dữ liệu mã BID nên sau đó FTSE và Market Vector đều thông báo không thêm cổ phiếu BID vào danh mục quý III/2015.
Tại thời điểm 2/12/2015, có 18 cổ phiếu trong rổ danh mục của FTSE, bao gồm: VIC, MSN, HPG, VCB, SSI, PVD, STB, DPM, HAG, BVH, KDC, KBC, ITA, FLC, TTF, PVT, HVG, PDR. Hiện tại, giá trị tài sản ròng (NAV) của FTSE đạt gần 356 triệu USD, NAV mỗi chứng chỉ quỹ tại ngày 2/12 là 22,55 USD. Quỹ này đầu tư 100% danh mục vào TTCK Việt Nam. Trong 1 tháng qua, Quỹ đã bị rút ra 165.675 chứng chỉ quỹ, tương đương NĐT rút ra khoảng 3,73 triệu USD. Giá các cổ phiếu trong rổ giảm cũng khiến NAV của Quỹ giảm 29,3 triệu USD so với 1 tháng trước.