Mã cổ phiếu đó là FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Đức Quân (HOSE), mã đã có 25 phiên giảm sàn liên tiếp.
Các công ty chứng khoán “dính” việc cho vay margin mã này có cả công ty trong TOP 10 thị phần, có công ty quy mô nhỏ, có công ty 100% vốn nước ngoài…
Thanh khoản eo hẹp, sức ép doanh số và một số yếu tố khác… là những nguyên nhân cùng lúc tác động đến nhân sự của hơn 10 CTCK để đi đến cái “gật đầu” cấp margin cho mã FTM.
Theo đó, khoảng 30 triệu cổ phiếu FTM, tương đương 60% cổ phần của doanh nghiệp này đã được sử dụng để vay nợ margin tại các CTCK.
Nếu như vùng thị giá vay của FTM khoảng 10.000 đồng thì với tỷ lệ cho vay thông thường ở mức 50%, khoản tiền các CTCK đang bị “chôn” ở mã FTM khoảng 200 tỷ đồng.
Thực tế, FTM không phải là câu chuyện duy nhất tạo nên “cú” mất đau cho các CTCK trong 1 thập niên qua.
Điểm khác biệt ở vụ FTM là các CTCK cùng hoàn cảnh đã và đang tập hợp nhau lại bàn cách lên tiếng, trước hết là để đòi nợ và nếu không thể đòi được thì sẽ đưa vụ việc đến cơ quan quản lý.
Ở thời điểm hiện tại, chưa ai có thể kết luận chủ mưu làm giá cổ phiếu FTM này là ai, ai trục lợi, nhưng câu chuyện FTM đang thu hút sự chú ý đặc biệt của các chủ thể tham gia thị trường ở tính độc đáo của vụ việc:
Bên bị hại đang được cho là các CTCK. Câu chuyện này cũng gợi cho nhiều người trong nghề nhớ lại những nỗi đau mất tiền của nhiều chủ thể tham gia thị trường chứng khoán, trong đó có nhà đầu tư đại chúng và cả CTCK.
Ngoài câu chuyện làm giá, phần lớn các nỗi đau mất mát đều xuất phát từ một kịch bản: Doanh nghiệp yếu được “mông má” lên sàn.
Nhiều CTCK, với con mắt tinh tường hơn nhà đầu tư, nhưng cũng không thoát khỏi sự mất mát khi không kiểm soát kỹ chất lượng cổ phiếu cầm cố trong cho vay margin.
Thị trường chứng khoán hiện có trên 60 mã có giá dưới 1.000 đồng, trong số này có không ít mã từng có giá 20.000-30.000 đồng/cổ phiếu và không ít CTCK đã cho vay margin ở vùng giá cao này.
Cái gốc của niềm tin là sự minh bạch và sự minh bạch quan trọng nhất là minh bạch về sức khỏe tài chính doanh nghiệp. Đã có hàng vạn nhà đầu tư thua đau do mua phải những cổ phiếu yếu như CTN, KSK, DPS, LCM, KSH, ACM, SPI, CDO…
Trong số này, không ít mã rơi về vùng giá chết (dưới 1.000 đồng/cổ phiếu) không chỉ vì doanh nghiệp gặp biến cố trong kinh doanh, khó khăn đổ ập đến, mà vì cái gốc của doanh nghiệp là rởm, sinh ra các cổ phiếu rởm, sau thời gian lướt lát trên sàn trục lợi, cổ phiếu/doanh nghiệp trở về nguyên hiện trạng ban đầu.
Để kỳ vọng lợi nhuận, người đầu tư phải chấp nhận mức rủi ro nhất định.
Rủi ro do doanh nghiệp mình đầu tư bị thua lỗ trong kinh doanh là điều nhà đầu tư phải chấp nhận, nhưng rủi ro do mua phải cổ phiếu rởm hoặc cho vay cầm cố nhầm cổ phiếu rởm là điều thật không thể chấp nhận trên thị trường chứng khoán.
Để chặn những nỗi đau mất tiền oan, cái gốc là DN trên sàn phải minh bạch thực sự và thị trường cần một cơ quan độc lập, giám sát xuyên suốt sự liêm chính của các chủ thể tham gia.
Nếu cứ để tình trạng mỗi bên kiểm soát “một khúc” niềm tin và khi ghép lại thì vẫn đầy khoảng hở thì thị trường sẽ còn vỡ ra những câu chuyện nữa, có thể còn lớn hơn vụ FTM…
FTM là doanh nghiệp địa phương, vốn điều lệ có 500 tỷ đồng…