Các báo cáo được AAV vừa công bố bao gồm Việc làm – Chính sách phát triển công nghiệp: Đâu là lựa chọn; Các tác động của Chính sách ưu đãi thuế; Tác động của các Hiệp định Thương mại đối với ngành chế biến thực phẩm.
Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, hợp tác giữa ActionAid Việt Nam và ActionAid Quốc tế với các đối tác Việt Nam như Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam.
Tại Việt Nam, báo cáo của AAV tiến hành chỉ ra rằng mặc dù được sử dụng như một đòn bẩy để kích thích đầu tư nước ngoài, mỗi năm thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam ước giảm 20 triệu USD do các chính sách miễn giảm thuế từ các Hiệp định thương mại. Số tiền thất thu này ước bằng khoảng 5 lần chi ngân sách cho giáo dục, 3 lần chi ngân sách y tế của năm 2012.
"Chúng tôi đang triển khai chiến dịch Công bằng Thuế toàn cầu nhằm kêu gọi một nền thuế công bằng, minh bạch, qua đó tạo nền móng cho một hệ thống dịch vụ công hiệu quả, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giàu nghèo trong xã hội và giúp giảm bớt sự lệ thuộc vào viện trợ nước ngoài cho các nước đang phát triển, bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện của AAV cho biết."
Báo cáo cũng chỉ ra tình trạng thâm hụt doanh thu thuế do tránh thuế của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Qua đó cho thấy, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp thấp và tình trạng doanh nghiệp FDI trốn thuế đã khiến Chính phủ mất đi hàng triệu đô la đáng lẽ ra có thể dùng để chi cho các dịch vụ công, đảm bảo an sinh và công bằng xã hội.
“Hệ quả là chất lượng của dịch vụ công sẽ bị ảnh hưởng khi ngân sách thuế ngày càng eo hẹp. Bên cạnh đó, tuy việc tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại quốc tế được đánh giá là cần thiết, nhưng sẽ làm hạn chế không gian chính sách hỗ trợ việc điều chỉnh cơ cấu doanh nghiệp và cơ cấu lao động”, báo cáo của AAV cho hay.
Báo cáo của AAV khuyến nghị Chính phủ cần có các quy định và chính sách nghiêm ngặt hơn để giải quyết tình trạng này đi kèm với một cơ chế theo dõi và kiểm tra chặt chẽ.
Đồng thời, Chính phủ nên tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, hoàn thiện hệ thống pháp lý, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, coi đây là giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để thu hút các nhà đầu tư lâu dài thay vì chính sách ưu đãi thuế vốn không tạo ra sức cạnh tranh cho nền kinh tế.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện của AAV cho biết: “Thuế là một trong những ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động của ActionAid ở cả cấp quốc tế và quốc gia. Chúng tôi đang triển khai chiến dịch Công bằng Thuế toàn cầu nhằm kêu gọi một nền thuế công bằng, minh bạch; qua đó tạo nền móng cho một hệ thống dịch vụ công hiệu quả, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giàu nghèo trong xã hội và giúp giảm bớt sự lệ thuộc vào viện trợ nước ngoài cho các nước đang phát triển. Phụ nữ và trẻ em cũng sẽ là những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất nếu chính sách thuế không thể thực hiện được những chức năng nêu trên”.
Chia sẻ bàn tròn này là cơ hội để cùng thảo luận các mối quan tâm nêu trên, cũng như các hình thức lách thuế và trốn thuế của các doanh nghiệp nước ngoài và việc thất thu thuế ảnh hưởng đến dịch vụ công tại Việt Nam, các chính sách còn bất cập với các chuyên gia kinh tế hàng đầu như ông Nguyễn Văn Phụng (Vụ trưởng Vụ quản lý thuế các doanh nghiệp lớn), Chuyên gia Kinh tế Vũ Đình Ánh (Viện Kinh tế Tài chính), và ông Nguyễn Anh Dương - Phó trưởng ban chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương).