Việt Nam đang đứng trước sức ép lớn về thay đổi thể chế và chính sách để tận dụng cơ hội từ FTA Việt Nam - EU
“Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU - hàm ý đối với cải cách chính sách và thể chế” là chủ đề của hội thảo diễn ra sáng nay (25/6) tại Khách Hilton Hanoi Opera, số 1 Lê Thánh Tông, Hà Nội do do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), những phân tích gần đây cho thấy lợi ích mang lại từ Hiệp định FTA Việt Nam – EU là rất lớn đối với Việt Nam do hàng hóa từ Việt Nam có tính bổ sung cao với thị trường EU.
GDP tăng thêm 7-8% vào năm 2025. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU cũng tăng khoảng 10%. Việc ký kết Hiệp định sẽ là một cơ hội lớn cho một số ngành như dệt may, da giày, thủy hải sản…. Ngược lại EU cũng có những lợi thế lớn trong nhóm ngành dịch vụ, dược và sản phẩm công nghệ cao.
“Là FTA thế hệ mới, nên sức ép về đổi mới toàn diện chính sách và thể chế trong nước là rất lớn, đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải thích ứng để tái cơ cấu nền kinh tế, mở cửa thị trường, cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo tuân thủ các quy định liên quan đến lao động, môi trường..”, theo ông Cung.
Với các doanh nghiệp, đây sẽ là thách thức lớn buộc phải đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.
Những cơ hội và thách thức kể trên này sẽ càng lớn hơn trong bối cảnh mà Việt Nam không chỉ tham gia hiệp định Việt nam-EU, mà đã và đang thực hiện và đàm phán với rất nhiều hiệp định khác như Hiệp định FTA
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại Đa biên (Bộ Công thương) chỉ ra rằng, nếu không có những FTA thế hệ mới sẽ không có cải cách thể chế và chính sách toàn diện. Tuy nhiên, FTA tạo ra cơ hội nhưng tận dụng như thế nào lại là chuyện của mỗi quốc gia.
Hai thập kỷ qua đã chứng kiến một sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ kinh tế và thương mại song phương giữa EU và Việt Nam.
Việt Nam và Cộng đồng Châu Âu (EC) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 11 năm 1990 và ký Hiệp định khung hợp tác Việt Nam – EC năm 1995. Trong một nỗ lực để đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới, Việt Nam và EU chính thức ký Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam – EU vào năm 2012 sau gần 5 năm đàm phán tích cực.
Tiếp theo những cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai bên, các vòng đàm phán cho Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU được khởi động từ tháng 6 năm 2012. Cho đến nay đã trải qua 12 phiên đàm phán chính thức.
Khác với những Hiệp định thương mại tự do trước đây, Hiệp định này được coi là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với mức độ cam kết sâu rộng hơn. Các cam kết của hai bên không chỉ dừng ở việc cắt giảm thuế quan, tạo thuận lợi thương mại, mà còn liên quan đến vấn đề đầu tư, môi trường, cạnh tranh, phát triển bền vững…