FTA tạo động lực mới cho xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
Các FTA mà Việt Nam ký kết được thực thi đầy đủ với thuế quan ưu đãi hơn, cùng với những cam kết tạo thuận lợi, giảm thiểu các rào cản về thương mại sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp, ngành hàng đẩy mạnh xuất khẩu.

Phát huy lợi thế của FTA

Các sản phẩm và giải pháp tủ điện là những mặt hàng chủ lực của Tập đoàn ABB đã được xuất khẩu sang Australia, Thái Lan, Malaysia và sắp tới là Nhật Bản. Đây đều là những thị trường thành viên của nhiều FTA mà Việt Nam tham gia ký kết.

Chia sẻ về quá trình thương mại hóa các sản phẩm này, ông Alessandro Palin, Phó chủ tịch Tập đoàn ABB cho biết: “Hệ thống FTA mà Việt Nam tham gia đang có hiệu lực đã mở đường cho chúng tôi tiến vào các thị trường xuất khẩu mới, được tạo thuận lợi thương mại, được thêm ưu đãi”.

ABB là một trong hàng triệu doanh nghiệp tại Việt Nam đã nắm bắt và tận dụng được lợi thế từ các FTA để mang lại hiệu quả cao hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.

Quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam thông qua hệ thống 15 FTA đã có hiệu lực tiếp tục là đòn bẩy đáng kể cho thương mại hàng hóa với nhiều thị trường lớn.

Với các doanh nghiệp ngành thủy sản, cùng với 14 FTA có hiệu lực trước năm 2022, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ đầu năm 2022 đã thực sự tạo dư địa tăng trưởng lớn.

RCEP là FTA thế hệ mới với sự tham gia của các nước ASEAN và 5 đối tác kinh tế ngoài ASEAN là Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc, đều là những đối tác có trao đổi thương mại lớn với Việt Nam cả về xuất khẩu và nhập khẩu.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương) đánh giá, RCEP đang mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp thủy sản tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất trong khu vực; giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường thành viên nhờ việc nới lỏng bộ quy tắc xuất xứ, giúp tăng khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan cho hàng hóa.

Ví dụ, đối với mặt hàng thủy sản, các FTA trước đây, như Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), đều yêu cầu xuất xứ thuần túy ở Việt Nam, trong khi RCEP quy định về quy tắc xuất xứ theo hướng hợp nhất các FTA ASEAN+1.

Có thể thấy rõ những tác động tích cực này qua kết quả xuất khẩu vào Australia. Bà Nguyễn Thu Hường, Đại diện Thương vụ Việt Nam tại

Australia thông tin, nhờ lợi ích từ RCEP, 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Australia đạt 128,1 triệu USD, tăng 53,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Từng ngành hàng, doanh nghiệp nỗ lực phát huy lợi thế từ các FTA đã góp phần đáng kể giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng 2 con số. Theo Báo cáo Sản xuất công nghiệp và thương mại 5 tháng đầu năm 2022 của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm đạt 152,96 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, cả khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đều ghi nhận sự tăng trưởng.

Quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam thông qua hệ thống 15 FTA đã có hiệu lực tiếp tục là đòn bẩy đáng kể cho thương mại hàng hóa với nhiều thị trường lớn.

Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa sang Liên minh châu Âu (EU) đạt 19,7 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ; xuất siêu tăng gần 47%, đạt 13,4 tỷ USD.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường mới có FTA với Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang Canada tăng gần 30%; sang Mexico tăng 21%; sang Peru tăng 12,2%; sang New Zealand tăng 24,7% và sang Australia tăng tới 33,2%.

Đột phá về thương mại

Bộ Công thương đánh giá, các FTA đang thực thi, đặc biệt là các FTA thế hệ mới sẽ tạo bước đột phá về thương mại, mang về thặng dư thương mại lớn trong năm 2022, tạo đà tăng trưởng cho các giai đoạn tiếp theo.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có FTA đều tăng trưởng, bất chấp tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Cụ thể, thị trường Trung Quốc tăng 15%; EU tăng 14%; Hàn Quốc tăng 15,8%; Ấn Độ tăng 21%; New Zealand tăng 42,5%...

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định: “Cơ hội lớn nhất sẽ đến từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Gần đây, chúng ta đã liên tiếp có những FTA ở quy mô lớn và mức độ cam kết sâu, với những đối tác thương mại đều là những thị trường có quy mô lớn, nhu cầu cao, như CPTPP, EU, Vương quốc Anh… Trên thực tế, các FTA này đã bước đầu phát huy được hiệu quả đáng kể”.

Bên cạnh việc tăng tốc xuất khẩu và khai mở thị trường mới, việc tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA mang lại ý nghĩa lớn cho doanh nghiệp, giúp gia tăng giá trị hàng hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh so với các đối thủ.

Ví dụ điển hình là giao dịch thương mại với Hàn Quốc. Những năm gần đây, Hàn Quốc liên tục là một trong những thị trường dẫn đầu về nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam có tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA cao nhất. Năm 2021, thị trường Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng ưu đãi 50,82% với kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O ưu đãi đạt 11,15 tỷ USD. 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 10,4 tỷ USD, tăng 19%, trong đó tỷ lệ tận dụng ưu đãi của hàng thủy sản đạt 94,7%, cà phê đạt 97%, hạt tiêu đạt 96% và rau quả đạt 89%…

Dự báo, trong những tháng tiếp theo, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài, các FTA được thực thi một cách đầy đủ với thuế quan ưu đãi hơn sẽ tạo động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Tin bài liên quan