Lô hàng xuất khẩu cuối cùng trong năm 2021 của Tập đoàn Lộc Trời sang châu Âu tận dụng ưu đãi từ EVFTA.
Theo Bộ Công thương, năm 2021, việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA, UKVFTA... để đẩy mạnh xuất khẩu đã được các ngành hàng, doanh nghiệp thực hiện hiệu quả, góp phần đáng kể vào bức tranh xuất khẩu đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020.
Cụ thể, đối với Hiệp định EVFTA, sau gần 1 năm rưỡi thực thi đã đem lại những kết quả rất khả quan, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp tại cả châu Âu và Việt Nam.
Thống kê cho thấy, trong năm 2021 thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt 63,6 tỷ USD, tăng trưởng 14,8%, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 45,8 tỷ USD, tăng 14,2% còn EU xuất khẩu sang Việt Nam đạt 17,9 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sử dụng C/O mẫu EUR.1 đạt khoảng 7,8 tỷ USD, cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chú ý tận dụng cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của Liên minh châu Âu theo EVFTA.
Trong khi đó, Hiệp định UKVFTA thực thi kể từ đầu năm 2021, giúp cho quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh không bị đứt gãy trong bối cảnh Anh rời khỏi EU.
UKVFTA đã trải qua gần 1 năm thực thi với nhiều kết quả tích cực, ghi nhận khi thương mại 2 chiều đạt gần 6,6 tỷ USD và giá trị xuất nhập khẩu đều tăng 2 chữ số (xuất khẩu hàng hóa sang Anh tăng 15,4%, nhập khẩu tăng 24,1%).
Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP tăng trưởng cao, như xuất khẩu năm 2021 sang Canada tăng 19,5%, sang Mexico tăng 46,1%...
Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tối đa cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu và tăng hưởng ưu đãi thuế quan để xuất khẩu sang các thị trường đã có FTA. Những ngày cuối cùng năm 2021, một lô hàng hơn 4.000 tấn gạo thơm và gạo trắng do Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đã lên đường sang châu Âu.
Đáng nói, đây cũng là lô hàng gạo xuất khẩu đầu tiên Lộc Trời sử dụng tàu biển dạng hàng rời (bulk carrier) nhằm tiết kiệm chi phí tại thời điểm phí vận chuyển bằng container đang rất cao do ảnh hưởng covid-19.
Năm 2021, Lộc Trời đã xuất khẩu hơn 80.000 tấn gạo tới các đối tác quốc tế ở châu Âu, vương quốc Anh, châu Phi, Úc, khu vực Trung Đông và các nước láng giềng ở châu Á. Tổng giá trị xuất khẩu gạo lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 24 doanh thu gạo của tập đoàn.
Sau hơn 1 năm tham gia EVFTA, gạo Việt Nam đã tạo được chỗ đứng vững chắc tại thị trường châu Âu nhờ chất lượng, qua đó giúp kim ngạch xuất khẩu gạo năm nay đạt 3,3 tỷ USD, tăng 5% về giá trị so với năm 2020.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, "với đơn hàng cuối cùng hơn 4.000 tấn vừa xuất khẩu sang châu Âu trước thềm năm mới, năm 2022 kỳ vọng sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho lúa gạo và các loại nông sản được sản xuất theo hướng xanh hơn, bền vững hơn của Việt Nam tại thị trường châu Âu và nhiều thị trường khác".
Mảng xuất khẩu gạo của Tập đoàn Lộc Trời đã tăng gấp khoảng 4 lần về sản lượng và doanh số so với năm ngoái, có thêm 15 đối tác mua hàng mới trên thị trường quốc tế.
Bộ Công Thương cho biết, các hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA, CPTPP hay các hiệp định thương mại song phương đã giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng.
Thời điểm cuối năm 2021 đầu năm 2022, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tại EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đang có xu hướng hồi phục trở lại cộng với những ưu đãi đặc biệt về thuế quan từ EVFTA, VKFTA... đang tiếp tục tạo thuận lợi cho nhiều loại hàng hóa của Việt Nam tăng thêm tính cạnh tranh tại EU, Hàn Quốc...
Xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của thị trường thế giới, trong đó, Mỹ vẫn là chủ lực của xuất khẩu Việt Nam, và xuất khẩu sang EU kỳ vọng sẽ có những bước đột phá khi các ngành hàng xuất khẩu tận dụng ngày một nhuần nhuyễn FTA với EU.
Với các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay ASEAN, xuất khẩu tiếp tục được thuận lợi nhờ các FTA song phương và đa phương đã có hiệu lực, đặc biệt là RCEP giữa ASEAN và 5 quốc gia ngoài ASEAN (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand) đã đi vào thực thi từ 1/1/2022.
RCEP có hiệu lực, cùng với 14 FTA hiện có sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.