FSB là cơ quan quốc tế giám sát và đề xuất các tiêu chuẩn cho hệ thống tài chính toàn cầu, bao gồm các nền kinh tế và tổ chức lớn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Steven Maijoor, Chủ tịch của FSB cho biết: “Sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường tiền điện tử với sự hiện diện của các lỗ hổng cấu trúc, cũng như các quy định và giám sát không đầy đủ có nghĩa là chúng sẽ sớm đạt đến điểm mà chúng trở thành mối đe dọa đối với sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu”.
Các cơ quan quản lý trên toàn thế giới đã tăng cường xem xét giám sát tiền điện tử sau khi thị trường sụp đổ từ đầu năm nay và hiện đang tìm kiếm các yêu cầu chặt chẽ hơn với sự cấp bách mới sau sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử trị giá hàng tỷ đô la FTX vào tuần trước.
FSB đã tìm cách thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu để điều chỉnh tiền điện tử trong báo cáo hàng năm được công bố vào thứ Tư (16/11). Báo cáo cũng cho biết một số lỗ hổng cấu trúc của tiền điện tử tương tự như lỗ hổng trong thị trường tài chính truyền thống.
“Niềm tin được xây dựng nhỏ giọt nhưng bị mất đi một cách nhanh chóng”, ông Maijoor cho biết và đưa ra sự tương đồng giữa thị trường tài sản tiền điện tử và sự sụp đổ của Ngân hàng Amsterdam ba thế kỷ trước.
Steven Maijoor, thành viên ban điều hành của Ngân hàng Trung ương Hà Lan và là thành viên ban giám sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết, nhiều thị trường tiền điện tử được đặc trưng bởi mức độ thông tin bất cân xứng cao, khiến chúng ta thường không thể biết được tác nhân nào có ý định xấu và nền tảng nào có nguy cơ bị lạm dụng.
Ông cũng cho biết rằng, “tiền điện tử không thể đơn giản được coi là một mốt nhất thời” và có nhiều hoạt động tiền điện tử không tuân thủ quy định hiện hành hoặc diễn ra bên ngoài phạm vi quy định.
FSB đã công bố các báo cáo mở để tham khảo ý kiến cộng đồng, kêu gọi các khu vực pháp lý trên toàn cầu phát triển các tiêu chuẩn tài chính mới đối với rủi ro tiền điện tử, tập trung vào quy định quốc tế và thắt chặt các quy tắc đối với stablecoin.
Ông lưu ý rằng, giám sát tài chính thường được tổ chức giữa các cơ quan quản lý ngành khác nhau và FSB đã đưa ra các khuyến nghị cấp cao thúc giục các cơ quan chức năng vượt ra ngoài ranh giới của các ngành.
Trong khi FSB tập trung vào sự ổn định tài chính, ông Maijoor cho biết rằng, tình trạng gian lận phổ biến và hành vi nguy hiểm cũng nên nằm trong chương trình nghị sự của các cơ quan quản lý.
“Các hoạt động tiền điện tử theo nhiều cách giống với các hoạt động của tài chính truyền thống, đồng thời các hoạt động này nên được điều chỉnh theo nguyên tắc cùng một hoạt động, cùng một rủi ro”, ông cho biết.