FPT trở lại đường đua

FPT trở lại đường đua

(ĐTCK) “FPT sẽ là môi trường công nghệ tốt, thu hút được nhiều chuyên gia công nghệ, các bạn trẻ tham gia. Vị thế của Tập đoàn sẽ được thể hiện bằng nguồn nhân lực công nghệ có trình độ cao và một tài sản phát minh, sáng chế, giúp FPT có lợi thế cạnh tranh lâu dài”, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FPT Trương Gia Bình mở đầu cuốn BCTN 2012 bằng một thông điệp rõ ràng.

FPT trở lại đường đua ảnh 1

Vậy là FPT đang trở lại đường đua để lấy lại lợi thế cạnh tranh và sức tăng trưởng mạnh mẽ vốn có dựa trên sức trẻ, tinh thần làm việc quên mình và óc sáng tạo. Không đơn thuần là cuộc đua trong một thị trường ngày càng quyết liệt hơn, mà đó là cuộc đua vượt qua chính mình của người FPT.

Bước sang năm 2013, chiến lược OneFPT được chuyển tải cụ thể hơn: “Phải trở thành Tập đoàn toàn cầu cung cấp dịch vụ thông minh”.

Mục tiêu đó được thực hiện bằng 3 con đường chính. Thứ nhất, tạo ra doanh thu mới bằng các sản phẩm dịch vụ và các thị trường mới, trong đó, “tính thông minh” là sự khác biệt, thể hiện qua các bước số hóa, liên thông và thông minh. FPT sẽ đặc biệt chú trọng phát triển các mảng dịch vụ tạo giá trị gia tăng cao và mang lại dòng tiền ổn định, ngay cả trong thời điểm khó khăn. FPT sẽ đẩy nhanh phát triển ra thị trường nước ngoài ở tất cả các ngành kinh doanh. Hội đồng công nghệ cùng với quy chế dành 5% lợi nhuận trước thuế cho nghiên cứu phát triển sẽ giúp tạo ra các nền tảng cho tăng trưởng trong tương lai. Dự kiến, doanh thu từ sản phẩm, dịch vụ và thị trường mới trong 3 năm 2013 - 2016 sẽ chiếm khoảng 25% tổng doanh thu của Tập đoàn, từ mức 7% hiện nay.

Trên thực tế, chiến lược hướng ngoại đã thể hiện tính đúng đắn khi việc tái cấu trúc tổ chức, đầu tư sâu cho công nghệ và nhân lực trong 2 năm 2011 - 2012 đã đưa mảng xuất khẩu phần mềm của FPT tăng trưởng trở lại trong 2012, ở mức 34%. Nhật Bản - thị trường lớn nhất của FPT Solfware tăng trưởng 36%, thị trường Mỹ tăng trưởng 74%. Mới đây, FPT Software mở thêm công ty tại Đức với quyết tâm đưa thị trường châu Âu trở thành một trong ba chân kiềng, bên cạnh thị trường Nhật Bản và Mỹ.  Nhìn rộng hơn, thành công của Viettel trong lĩnh vực viễn thông ở nước ngoài cho thấy tiềm năng to lớn khi khai phá những mảnh đất mới. 

Thứ hai, liên tục đổi mới trong những ngành kinh doanh truyền thống để mang lại sự tăng trưởng ổn định và duy trì vị thế dẫn đầu, vượt trội trong ngành. Trong đó, mảng dịch vụ sẽ đạt mức tăng trưởng gấp đôi mảng kinh doanh phần cứng bằng cách khai thác thêm khách hàng mới, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm, dịch vụ.

Thứ ba, hiện đại hóa hệ thống quản trị và tăng độ trưởng thành cho tất cả các quy trình nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ của Tập đoàn. Tăng cường quản trị rủi ro hàng tồn kho và công nợ phải thu đối với lĩnh vực kinh doanh có rủi ro cao như phân phối. Quản trị tốt dòng tiền, đáp ứng các mục tiêu mở rộng khi cơ hội thuận lợi.

Không phải vô cớ khi ngay sau thông điệp mạnh mẽ của Chủ tịch Trương Gia Bình, cuốn BCTN FPT 2012 khắc họa hình ảnh một nhân viên thuộc thế hệ 9x với tâm sự: “Trở thành nhân viên FPT là một mong ước của tôi từ lúc còn trên ghế giảng đường. Tôi tin những người trẻ chúng tôi sẽ cùng nhau đưa Tập đoàn đến những thành công mới, tiến xa hơn và vững chắc hơn”.

Thương hiệu FPT từng được định vị ở vị trí tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tập hợp những người trẻ năng động, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, được thể hiện mình với rất nhiều cơ hội phát triển và được đãi ngộ xứng đáng. Nhắc đến FPT, nhiều người từng liên tưởng đến Microsoft với sự ngưỡng mộ, song sau nhiều biến cố, thương hiệu FPT dần bị mai một.

Khẳng định ưu tiên số 1 cho công nghệ thông tin và đề cao sức trẻ, sự sáng tạo, FPT đang củng cố niềm tin cho cổ đông, đối tác và những người từng yêu mến tập đoàn này.

Ngoài chuyển tải thông điệp rõ ràng về chiến lược phát triển, có thể coi, cuốn BCTN của FPT như một chiến sỹ IR thầm lặng khi khắc họa khá đầy đủ một FPT đa dạng trong các hoạt động xã hội và nhiều hoạt động hướng tới nhà đầu tư. Trong năm 2012, FPT đã gặp gỡ, trao đổi, cung cấp thông tin và có hàng chục cuộc họp với hơn 50 tổ chức trong và ngoài nước. Thông tin về kết quả kinh doanh hàng tháng, quý được cập nhật đầy đủ tới nhà đầu tư.

Trước những cơ hội lớn như: Nghị quyết 13 của Trung ương Đảng và Nghị quyết 16 của Chính phủ năm 2012 coi công nghệ thông tin là hạ tầng của hạ tầng; cơ hội về sự dịch chuyển hạ tầng công nghệ trên thế giới..., có thể thấy, tiềm năng của cổ phiếu FPT, vị trí của Tập đoàn trong nền kinh tế. Cơ hội mở ra từ định hướng trở lại đường đua rõ ràng, mạch lạc của Ban lãnh đạo FPT đang được đánh giá ngày một khả quan hơn.